Kiểm soát cáp biển - thách thức chính trị lớn cho các quốc gia
Quốc tế - Ngày đăng : 06:24, 12/09/2018
Hệ thống cáp quang của toàn thế giới hiện nay bao gồm khoảng 300 cáp đặt dưới đáy biển. Hệ thống này rất lớn bởi đang chuyển tải hơn 95% các thông tin viễn thông toàn cầu, bao gồm các cuộc gọi điện thoại, video, dữ liệu internet…
Việc chuyển tải dữ liệu cũng đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính, bởi vì các mệnh lệnh mua bán cổ phiếu của giới trung gian đều được chuyển tải rất nhanh chóng qua hệ thống cáp quang.
Trước khi có hệ thống cáp quang như hiện nay thì 2 thế kỷ trước đây, thông tin xuyên biển đã được thực hiện vào năm 1851 nối liền vùng Pas de Calais (miền Bắc nước Pháp) với Douvres của Anh quốc nhưng hoạt động không được bao lâu. 7 năm sau, đường cáp xuyên Đại Tây Dương đầu tiên được thực hiện, dài nhất lúc bấy giờ.
Năm 1865, một đường cáp xuyên Đại Tây Dương khác dành cho trao đổi thương mại đã được lắp đặt. Dự án do các ngân hàng tài trợ nhằm truyền tải các giao dịch chứng khoán giữa London và New York. Rồi sự ra đời của điện báo vô tuyến đầu thế kỷ XX đã gây ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa cáp biển trong nhiều thập niên và phát minh vệ tinh vào cuối những năm 1950. Nhưng chính sự xuất hiện của cáp quang kể từ những năm 1980 đã mang lại một lợi thế quyết định cho hệ thống cáp biển.
Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ cho phép cáp quang truyền tải một dung lượng lớn dữ liệu cao gấp hàng triệu lần so với vệ tinh và các loại cáp truyền thống. Vào đầu năm 2018, một đường cáp quang mới – Marea, dài hơn 6.600km, do Google và Facebook sở hữu, nối liền Virginia Beach, Hoa Kỳ với Bilbao của Tây Ban Nha đã được lắp đặt. Đường cáp này có khả năng truyền tải đến 160 terabit dữ liệu trong một giây.
Với một dung lượng truyền tải thông tin khổng lồ và phải đi qua nhiều vùng lãnh hải thuộc nhiều quốc gia khác nhau, việc kiểm soát các đường cáp biển sẽ là những thách thức chính trị lớn đối với các nước do có liên quan đến các hoạt động tình báo và trừng phạt quốc tế.
Từ lâu nay, thường xuyên xảy ra các vụ cắt cáp mà thủ phạm là các quốc gia, quân đội hoặc các vụ lấy thông tin của các cơ quan tình báo.
Nhìn lại lịch sử, các vụ tấn công cáp biển nhằm mục đích quân sự cũng không phải là điều mới mẻ. Năm 1914, Anh quốc đã cho cắt đường cáp viễn thông xuyên Đại Tây Dương của quân đội Đức trong Đệ nhất Thế chiến. Suốt cuộc chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã từng dọ thám một đường cáp viễn thông của Liên Xô tại vùng biển Okhotsk.
Bên cạnh rủi ro xung đột, cáp quang biển còn phải đối mặt với những sự cố tai nạn do tàu thuyền gây ra, nạn đánh cắp, ý đồ phá hoại hay khủng bố, đặt ra vai trò và trách nhiệm quản lý của các nước nơi có đường cáp đi qua.
Hệ thống cáp đặt dưới đáy biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Trước tiên là mối đe dọa truyền thống, cổ điển, do tai nạn. Hằng năm, hơn 70% trường hợp đứt cáp là do lưới cá, mỏ neo. Đây là một con số rất lớn. Rồi các vụ đứt cáp do thiên tai, như động đất dưới đáy biển, sóng thần, nhất là tại châu Á, gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà việc sửa chữa thường mất thời gian ít nhất là 15 ngày.
Ngoài các mối đe dọa cổ điển, còn có những mối đe dọa đã có từ lâu, đó là việc chủ ý cắt cáp, trong đó không ít trường hợp dính líu đến các nước. Nhiều vụ gây đứt cáp xảy ra từ năm 2008 cho thấy là các tác nhân tư nhân đã can thiệp, tuy vậy có nhiều giả thuyết và khó có thể đưa ra nguyên nhân, ví dụ vụ làm đứt cáp ở Hồng Hải hay ngoài khơi gần Việt Nam. Trong những vụ như thế này, các quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm là đã không bảo vệ tốt khu vực đặc quyền kinh tế.
Vào thời đại internet chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống kinh tế xã hội, việc tấn công đối thủ bằng cách cắt mạch thông tin sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù quốc tế đã có một khung pháp lý từ gần 200 năm qua để bảo vệ hệ thống cáp biển, nhưng khi xảy ra xung đột, thì không ai có thể kiểm soát được. Lý do là vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong công ước quốc tế bảo vệ cáp quang dưới biển được nhiều nước ký từ năm 1884, nay đã lỗi thời. Trong thời đại hiện nay, văn bản này có rất nhiều hạn chế, ví dụ không đề cập đến hệ thống cáp ở ngoài biển khơi.
Vẫn theo công ước này, các quốc gia được quyền tự do hành động trong giai đoạn có xung đột. Vậy giai đoạn có xung đột có nghĩa là gì? Cho đến lúc này, các quốc gia muốn làm gì thì làm.
Các chuyên gia về viễn thông của nhiều nước đang nghĩ đến một công ước mới để có thể trả lời được vấn đề này.