Lo ngại khủng hoảng tiền tệ lây lan

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 15/09/2018

Cuối tháng 8 vừa qua, thị trường tài chính lại chứng kiến sự lao dốc của các đồng tiền ở không ít nền kinh tế mới nổi. Không như hồi giữa tháng 8 bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, lần này kẻ châm ngòi là Argentina, nền kinh tế đã và đang phải vật lộn với nợ công trong nhiều thập niên qua.
Lo ngại khủng hoảng tiền tệ lây lan

Kể từ đầu năm đến nay, đồng peso của Argentina đã mất giá so với USD hơn 54%

Chỉ riêng trong ngày 31/8, đồng peso của Argentina đã có lúc rớt đến 25,6%, đẩy tốc độ mất giá so với USD lên hơn 54% kể từ đầu năm đến nay. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác vốn chịu áp lực sụt giảm suốt từ đầu năm đến nay như Rupiah của Indonesia, rand của Nam Phi, rupee của Ấn Độ hay đồng real của Brazil cũng lao dốc theo diễn biến của đồng peso, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn.

Như vậy, trái với nhận định của nhiều nhà phân tích cho rằng khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ diễn ra trong đường biên giới của nước này và khó có thể lây lan, thì lần này nạn nhân là Argentina đã cho thấy sự lan truyền là có thể. Niềm tin của giới đầu tư hiện nay mỏng manh hơn bao giờ hết, cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ trước đó và kế tiếp là Argentina như là liều thuốc thử cho thấy giới đầu tư đang rất nhạy cảm với tình hình tại các nền kinh tế mới nổi.

Trong bối cảnh ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước đang theo đuổi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển, thì dòng vốn rẻ ngày càng trở nên khan hiếm. Giới đầu tư cũng sẽ tập trung tìm kiếm những thị trường an toàn hơn với tỷ suất lợi nhuận ổn định hơn. Trong khi đó, với việc đồng đô la Mỹ mạnh trở lại thì những quốc gia có nợ nước ngoài cao sẽ phải đối mặt với thách thức trả nợ bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Link bài viết

Do đó, những nền kinh tế đang có nhiều bất ổn và rủi ro cao, với lạm phát tăng nhanh, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, nợ công cao hoặc ảnh hưởng nặng bởi chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ càng trở nên dễ tổn thương và thiệt hại nhiều nhất, cũng như dễ rơi vào các cuộc tấn công tiền tệ của các quỹ đầu cơ vốn rất nhạy cảm với sự đổ vỡ trong nền kinh tế và các cuộc khủng hoảng.

Hệ quả là những cuộc tấn công này kéo nền kinh tế của các quốc gia trên càng xuống thấp, các chính sách can thiệp trở nên vô hiệu và đồng tiền cứ thế tiếp tục lao dốc, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những nhà đầu tư bán khống. Khủng hoảng từ các thị trường mới nổi sẽ chưa dừng lại ở thị trường tiền tệ, mà sẽ còn kéo sang những thị trường khác như là một hệ quả của nền kinh tế suy yếu, trong đó thị trường chứng khoán là nạn nhân theo sau.

Với việc đồng USD mạnh lên trong suốt giai đoạn vừa qua, với triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ, sau khi đồng nội tệ của một số nền kinh tế mới nổi gần đây bị bán tháo, thì sau đó diễn biến tương tự đã xảy ra đối với thị trường chứng khoán. Thống kê cho thấy chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt hơn 56% so với mức đỉnh 52 tuần, còn chứng khoán Brazil và Argentina đều lao dốc hơn 30% so với mức đỉnh 52 tuần.

Một bài báo gần đây của Bloomberg cho biết, các thị trường mới nổi đang chứng kiến chuỗi bán tháo dài nhất kể từ năm 2008. Đối với chứng khoán thì đó là 222 ngày bán tháo, với tiền tệ là 155 ngày, và với trái phiếu chính phủ nội địa là 240 ngày. Thống kê cũng cho thấy trong 7 đợt bán tháo lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không một đợt bán tháo nào gây mất mát kéo dài như hiện nay.

Tuy nhiên, mọi việc có thể sẽ không chỉ dừng lại ở các thị trường mới nổi. Với những rủi ro ngày càng tăng từ chiến tranh thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ và khủng hoảng đã khởi đầu tại một số quốc gia, thì những nền kinh tế yếu và nhỏ sẽ là nạn nhân tiếp theo và rồi sau đó có thể lan dần sang các quốc gia mạnh hơn. Kinh tế toàn cầu chưa bao giờ ở gần rủi ro suy thoái trở lại đến thế trong gần 10 năm qua.

Một báo cáo từ Ngân hàng JPMorgan và BlackRock cảnh báo nguy cơ suy giảm lan truyền từ các thị trường mới nổi. Theo đó mặc dù nhiều danh mục tài sản khác vẫn có thể đem lại giá trị trong dài hạn, nhưng nhà đầu tư sẽ bán các tài sản tương đối an toàn để bù đắp các khoản lỗ của các tài sản từ các thị trường dễ bị tổn thương hơn, hoặc tệ hơn là xem tất cả thị trường mới nổi đều như nhau và bán đổ bán tháo tất cả tài sản từ khu vực này.

Và áp lực lên các thị trường mới nổi có lẽ sẽ tiếp diễn ở thời điểm hiện tại, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nam Phi, Pakistan, Brazil và Ấn Độ là những quốc gia có liên kết yếu nhất.

LÊ PHAN