NSƯT - Đạo diễn Hoa Hạ: "Mong giữ lửa cho người yêu cải lương làm nghề"
Đời thường - Ngày đăng : 06:28, 23/09/2018
Sau 2 đêm công diễn tại TP.HCM và tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, vở diễn đã được đông đảo khán giả đánh giá cao.
* Là đơn vị nghệ thuật xã hội hóa lần đầu tham dự liên hoan, cảm nhận của bà về liên hoan lần này?
- Điểm đáng chú ý nhất của liên hoan lần này là những đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã có những vở diễn tham dự như Rạng ngọc Côn Sơn của NSƯT Kim Tử Long, Hồn của đá của Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc và Thái hậu Dương Vân Nga của Sân khấu Lê Hoàng.
Việc mở rộng cho các đơn vị xã hội hóa tham dự liên hoan là sự thay đổi tích cực, thể hiện sự công bằng với tất cả những ai yêu thích cải lương. Về phía các nghệ sĩ trẻ, đây cũng là dịp để các em được cọ xát, học hỏi lẫn nhau và là nơi để các em thể hiện tài năng, nên đây là sân chơi rất cần thiết, nhất là trong thời điểm này.
* Trong lịch sử 100 năm sân khấu cải lương, Thái hậu Dương Vân Nga là tác phẩm sân khấu kinh điển đã góp phần cổ vũ, lan tỏa tinh thần yêu nước đến mọi tầng lớp nhân dân, bà có thấy áp lực khi dựng lại vở diễn lịch sử này?
- Tôi không cố vượt qua cái bóng quá lớn của bản dựng kinh điển cũ mà tạo ra một bản dựng mới với góc nhìn hợp lý hơn, gần với khán giả hiện đại hơn nên không cảm thấy bị áp lực. Vở Thái hậu Dương Vân Nga được dựng lại theo cách của tôi. Đơn cử, khác với bản dựng cũ, tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào 2 nhân vật Nguyễn Bặc và Đinh Điền để làm họ khác hơn, giúp họ giãi bày nội tâm nhiều hơn và để lý giải nỗi đau của những bậc trung quân ái quốc.
Kịch tính cũng sẽ xuất hiện ngay từ đầu vở... Có một thực tế là do Thái hậu Dương Vân Nga quá xuất sắc ở giá trị văn chương cũng như nghệ thuật diễn xuất nên số đông khán giả đã bỏ qua nhiều chi tiết phi logic và hư cấu có phần sai lệch khi đối chiếu với lịch sử. Vì vậy, ở bản dựng mới, tôi đã cố gắng khắc phục hạn chế trên qua việc đào sâu tâm lý các trung thần triều Đinh, lý giải những mâu thuẫn nội bộ...
Tôi cũng nói với các nghệ sĩ: "Các bạn không có gì phải lo lắng hết. Hãy xem thành công của những nghệ sĩ tiền bối ở vở diễn trước kia như một giá trị để ngưỡng mộ, bởi không ai diễn lại giống hệt như họ mà hay bằng họ được".
Tuy nhiên, áp lực lớn nhất đối với tôi là hiện nay việc phục dựng gặp không ít trở ngại, đặc biệt là khâu kinh phí, nhưng tôi đã vượt qua được khi cùng nghệ sĩ Kim Ngân (con gái nghệ sĩ Kim Ngọc) bỏ ra 800 triệu đồng để mang vở diễn lên sân khấu. Tuy số tiền thu lại được chỉ khoảng 600 triệu đồng nhưng tôi vẫn thấy vui vì đây là hoài bão, khao khát của tôi chứ không phải tôi làm vì mục đích kinh doanh, thu lợi.
* Giao vai Thái hậu Dương Vân Nga cho nghệ sĩ Kim Ngân đảm nhận, bà có thấy lo không khi trước đó 2 NSND Bạch Tuyết và Ngọc Giàu, hay cố NSƯT Thanh Nga đã thể hiện quá thành công?
- Rất nhiều người hỏi tôi tại sao không mời NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu thủ vai Thái hậu Dương Vân Nga để thể hiện sự tôn trọng các chị. Bây giờ sức vóc các chị không còn như trước nữa nên tôi không thể ép các chị đánh đổi sức khỏe để diễn một vở mới mà chưa chắc đã thành công, như vậy là làm khó các chị.
Điều đáng mừng là các nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt vai diễn tại liên hoan lần này, như Lê Tứ vào vai Lê Hoàn diễn hay, vũ đạo điêu luyện, oai phong, toát lên phong thái hào hùng của một dũng tướng được ba quân tôn sùng. Cặp diễn viên trẻ Điền Trung vai Phạm Cự Lượng và Thanh Thảo vai Tú Quyên rất sáng sân khấu.
Phần trình diễn của Kim Ngân với đài từ rất tốt, nhấn trọng âm rõ trong từng lời. Kim Ngân là người đầu tiên diễn suốt 4 cảnh, giọng ca khỏe, ngọt ngào, toát lên được thần thái của Thái hậu Dương Vân Nga. Đặc biệt, Kim Ngân diễn xuất thần trong màn trao long bào, nhận được rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.
* Bà có trăn trở gì về tình hình sân khấu cải lương hiện nay?
- Hơn 10 năm nay, sân khấu cải lương đi xuống rất nhiều, các rạp dành cho cải lương quá cũ, còn số ít nhà hát cho cải lương thì chi phí cao, mỗi suất diễn là 100 triệu đồng, chi phí đầu tư cho đúng chất cải lương cũng trên dưới 1 tỷ đồng.
Nhà nước không kham nổi, không đơn vị đầu tư nào tham gia, các tác giả viết kịch bản cho cải lương cũng ít nên không có vở hay, nghệ sĩ lớn tuổi không đủ sức diễn cả vở, nghệ sĩ trẻ thì thiếu nơi đào tạo, biểu diễn thường xuyên nên không thể trau dồi tài năng..., dẫn đến các vở diễn không đều đặn, sân khấu cũng không sáng đèn thường xuyên, khán giả vì thế không còn thói quen đến rạp xem cải lương.
* Tâm huyết với vở diễn nhưng nếu không có được giải thưởng hoặc nhận được những lời chê bai, bà có buồn lòng?
- Tham dự liên hoan là trách nhiệm, niềm vui của người nghệ sĩ khi được đóng góp vào sân chơi của lĩnh vực, của chương trình nên có giải thưởng là sự khích lệ, còn không cũng là sự đóng góp, cống hiến. Với bất kỳ vở diễn nào, những lời khen, chê, ý kiến trái chiều là khó tránh, nhưng sự công tâm trong khen, chê với tinh thần xây dựng nhằm khuyến khích nghệ sĩ làm tốt hơn và giúp họ mạnh dạn đi tiếp là rất cần thiết. Còn góp ý, chê trách mang tính đạp đổ, như tạt nước lạnh vào sự nỗ lực của nghệ sĩ khiến họ hụt hẫng, nản chí thì không nên.
* Sau khi tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga có những kế hoạch gì mới, thưa bà?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục công diễn rộng rãi trên cả nước. Hiện tại, có trên 6 tỉnh, thành như Bạc Liêu, Kiên Giang, Đà Nẵng... ngỏ lời mời ekip thực hiện vở Thái hậu Dương Vân Nga về biểu diễn. Đặc biệt và rất vui là Đại sứ quán Hàn Quốc cũng đã có lời mời và mong muốn đưa vở Thái hậu Dương Vân Nga lưu diễn tại quốc gia này dưới hình thức giao lưu văn hóa mang đậm tính nghệ thuật Việt Nam.