Cầu thủ Việt Nam "xuất ngoại": Thương mại lấn át chuyên môn
Thể thao - Ngày đăng : 06:00, 24/09/2018
Quang Hải trở thành ngôi sao sau khi ghi 5 bàn tại VCK U23 Châu Á 2018 - Ảnh: AFC |
Trở về sau ASIAD 2018, thông tin Quang Hải được các câu lạc bộ (CLB) của Nhật Bản, Qatar, Argentina, cả Brazil "ngỏ lời" xuất hiện dày đặc. Thậm chí, theo một nguồn tin xuất phát từ CLB Hà Nội, họ đã từ chối chuyển nhượng Quang Hải với số tiền lên đến gần 3,5 triệu euro (gần 100 tỷ đồng).
Chiêu trò thổi giá?
Tài năng của Quang Hải là không thể phủ nhận. Anh ghi 5 bàn tại vòng chung kết (VCK) U23 Châu Á, là cầu thủ hiếm hoi ghi bàn vào lưới các đội trẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Uzbekistan. Việc Quang Hải được chú ý không có gì lạ khi mạng lưới "trinh sát viên" các nước có mặt rất đông đảo ở bất cứ giải đấu nào, huống hồ ở sân chơi châu lục.
Tuy nhiên những điều anh làm được mới dừng lại ở cấp độ trẻ, chưa phải đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Anh vẫn còn ràng buộc hợp đồng đào tạo trẻ với CLB Hà Nội, chưa được định giá trên chuyên trang Transfermarkt. Vì thế, cái giá 3,5 triệu euro rất thiếu thực tế. Cần biết rằng, Chanathip Songkrasin - ngôi sao Thái Lan đang thi đấu tại Nhật Bản chỉ được định giá 700.000 euro. Hay Yosuke Ideguchi, tiền vệ tuyển quốc gia Nhật Bản đang khoác áo Leeds United (Anh) cũng chỉ có giá 1 triệu euro.
Quang Hải cũng như nhiều ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam hiện tại đều có công ty quản lý về mặt hình ảnh. Xuất hiện càng nhiều trên truyền thông, Hải càng trở nên nổi tiếng, lượng follow, tương tác trên mạng xã hội cũng theo tỷ lệ thuận. Facebook của Hải "con" có hơn 1,3 triệu người thích. Đó là nơi anh kiếm được khá nhiều tiền. Còn nhớ sau khi tỏa sáng ở VCK U23 Châu Á, Quang Hải đã lập tức được nhận hàng loạt hợp đồng quảng cáo.
Facebook của anh và nhiều đồng đội nhận dấu tick xanh, giúp người hâm mộ có thể nhận biết đâu là tài khoản thật. Nhưng đối với cầu thủ, điều quan trọng nhất vẫn phải được chơi bóng chứ không phải công cụ để đánh bóng. Quang Hải có tài năng nhưng việc thổi giá kiểu này rất dễ khiến anh ảo tưởng về giá trị bản thân.
"Cái hại" từ V.League
Trước Quang Hải, cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài không hiếm. Nhưng đa phần trong số này là những hợp đồng mang tính thời vụ, thương mại hoặc theo dạng trao đổi. Năm 2001, Lê Huỳnh Đức khoác áo CLB Lifan Trùng Khánh (Trung Quốc). Thời điểm này, xe máy của Lifan ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam.
Đây là chiêu quảng cáo tinh vi của một đội bóng Trung Quốc. Rồi sau đó lần lượt Công Vinh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng khoác áo các CLB ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không cầu thủ nào được ra sân thi đấu thường xuyên. Thay vào đó, họ quen với việc ngồi dự bị nhưng lại xuất hiện ở những sự kiện để quảng bá du lịch, thương hiệu.
Điều này cho thấy chưa có cầu thủ Việt Nam nào ra nước ngoài thi đấu vì chính tài năng vượt trội. Tại những nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, các ngôi sao kể trên còn chật vật để tìm chỗ đứng, nói chi đến giải Ngoại hạng Anh xa xôi.
Việc bầu Hiển hay bầu Đức cao hứng đưa Công Phượng hay Quang Hải "lên mây" xuất phát từ V.League. Giải đấu số 1 Việt Nam chẳng khác gì cỗ máy đốt tiền, nơi giá trị cầu thủ được đẩy lên rất cao so với tài năng thực. Người hâm mộ đã quá quen với việc cầu thủ Việt Nam nhận mức lót tay tiền tỷ mỗi mùa, hay hưởng mức lương cao ngất.
Sống trong giá trị ảo, nhiều cầu thủ Việt Nam không quá hào hứng với viễn cảnh ra nước ngoài thi đấu. Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung nói thẳng, chơi ở trong nước giúp anh thỏa mãn được mọi thứ từ tiền tài cho đến danh vọng nên không nghĩ đến việc sang Thái Lan hay Malaysia để "đổi gió”.
Dưới con mắt của bầu Hiển, Quang Hải như một "siêu sao". Ông thậm chí còn cao hứng thổ lộ mong muốn vài năm nữa CLB Manchester City - đương kim vô địch Giải Ngoại hạng Anh sẽ chiêu mộ cầu thủ con cưng của mình, mà không biết rằng bóng đá Anh có những quy định rất ngặt nghèo dành cho cầu thủ đến từ những nền bóng đá kém phát triển.
Ngược lại, các đội bóng nước ngoài đang xem cầu thủ Việt Nam như một món hàng để xâm nhập vào thị trường có gần 100 triệu dân. Tài năng của cầu thủ Việt Nam có thể được xem trọng hơn qua 2 lần vào bán kết châu lục, nhưng để họ đủ sức ra nước ngoài thi đấu vẫn còn kha khá việc phải làm.