Người Nhật rất cần những Naomi Osaka
Thể thao - Ngày đăng : 00:06, 26/09/2018
Naomi Osaka bị cho "trông không được Nhật lắm" - Ảnh: Reuters |
Sau thành tích chấn động tại giải quần vợt Mỹ Mở rộng 2018 (US Open 2018), Naomi Osaka lại gây sốc khi để thua trắng cựu số một thế giới Karolina Pliskova chỉ trong vòng 63 phút (6-4, 6-4). Sẽ không phải chuyện gì quá lớn nếu Osaka không để thất bại ấy diễn ra ngay tại Tokyo.
Cú bước hụt của một "hafu"
"Tôi thực sự vui mừng khi không cần phải đánh tới 3 set. Những quả giao bóng là vũ khí lợi hại nhất và là điểm then chốt của tôi hôm nay. Naomi có lẽ hơi mệt mỏi, các bạn có thể thấy điều đó. Nhưng tương lai đang tươi sáng với cô ấy và tôi chúc mừng cho những thành quả khó tin của cô ấy trong vài tuần gần đây", Pliskova nói sau chiến thắng trước Osaka tại Pan Pacific Open, giải đấu tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Sự thông cảm và cả tôn trọng mà Pliskova dành cho đối thủ là điều không phải bàn cãi. Ai cũng hiểu Osaka đã chật vật, gồm việc đánh bại biểu tượng Serena Williams, để tạo ra cơn địa chấn tại một giải Grand Slam như US Open. Nhưng với chính những người Nhật, chưa chắc trạng thái tâm lý ấy đang tồn tại.
Tờ Daily Beast của Mỹ sau khi chứng kiến Osaka nổi lên như một hiện tượng, đã có bài viết phân tích về tình huống khó khăn mà tay vợt sinh năm 1997 gặp phải hiện nay. Cô có thể được thế giới ngưỡng mộ, nhưng việc mang trong người dòng máu lai (cha của Osaka là người Haiti) có thể là cản trở lớn nhất của Osaka trong việc trở thành đứa con cưng của người Nhật, những đồng hương của mẹ cô. Với những cuộc tranh tài thể thao, tại đất nước mặt trời mọc vẫn tồn tại câu cửa miệng khá giễu cợt: "Thắng thì làm người Nhật, thua thì làm hafu".
Link bài viết
Hafu trong tiếng Nhật tạm hiểu là "một nửa người Nhật", tức dùng để chỉ những người Nhật mang dòng máu lai. Khái niệm hafu trở nên nhạy cảm vì người Nhật nổi tiếng với tình trạng bài ngoại tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân. Chẳng riêng thể thao, các lĩnh vực khác cũng vậy, và điều này cũng gây ra rắc rối lớn cho việc triển khai chính sách của chính phủ. Ví dụ đơn giản nhất là trong khi dân số Nhật đang già đi, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động, việc sử dụng lao động nhập cư cũng khó khăn vì không phải ai cũng được người địa phương đón nhận để hòa nhập.
Chính vì vậy, chuyện để thua - dẫu tại một giải đấu không lớn và trước một tên tuổi của làng quần vợt như Pliskova, ngay trên quê hương có khả năng là thảm họa cho Osaka. Hoặc ít nhất nếu nghĩ về nước Nhật, Osaka có thể thấy tiếc nuối vì bỏ qua thời cơ chứng minh bản thân trước khán giả quê nhà.
Nỗi buồn thầm kín
Sau khi Osaka thành công ở US Open, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viết trên Twitter: "Chúc mừng Naomi Osaka. Người Nhật đầu tiên vô địch Grand Slam. Trong thời điểm khó khăn này, cảm ơn nguồn năng lượng và cảm hứng của cô...". Đài truyền hình Trung ương NHK tuyên bố: "Naomi Osaka đã thắng người Mỹ”.
Nhưng hòa trong niềm vui ấy, vẫn tồn tại những cuộc tranh luận trên mạng xã hội ở Nhật, với nội dung bao gồm việc Osaka "không phải người Nhật" vì "trông không đủ chất Nhật", hoặc vì cô nói tiếng Nhật không được tốt lắm. Điều tương tự đã xảy ra với Ariana Miyamoto, người đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản năm 2015 vì cô có mẹ người Nhật và người cha là dân Mỹ gốc Phi.
Câu chuyện của Osaka đã tạo làn sóng nói lên sự thật của rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự hoặc quan tâm tới vấn đề này. Roland Nirishima, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng mang hai dòng máu Nhật và Scotland, đã viết trên Twitter: "Người Nhật làm tôi ngạc nhiên với chủ nghĩa chủng tộc thuần khiết của họ. Nhưng đây là thế kỷ 21 rồi...". Dòng tweet ấy nhận 56.000 lượt thích và được dẫn lại 20.000 lần.
õ ràng không chỉ yếu tố thể thao, mà xét tới những vấn đề khác, người Nhật có nên bỏ qua điều này để tận dụng một nguồn lực đáng kể về mặt chuyên môn từ những "hafu"?