Định nghĩa về sự trưởng thành
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 07:00, 27/09/2018
Trưởng thành cũng chính là khi bạn đứng giữa đám đông mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, khi đương đầu với thế sự mà vẫn giữ được con tim son sắc. Thực sự trưởng thành, cũng chính là khi bạn trở thành một người chẳng dễ chung sống với người khác, khi đó bạn sẽ tự biết được mình cần gì và mình đang ở đâu.
Đừng dễ tính quá
Cổ nhân dạy: “Ngựa tốt sẽ bị người khác cưỡi, người tốt sẽ bị người khác phụ”, lương thiện không phải là điều xấu, thế nhưng quá lương thiện là lại là một thứ bệnh. Làm một người quá dễ tính, người khác nói gì bạn đều không có ý kiến gì, cuối cùng những lời bạn nói sẽ chẳng nhận được sự tôn trọng, và chỉ một lần khó tính bạn sẽ lại bị bêu xấu.
Bạn giúp người khác khi gặp khó khăn, người ta sẽ nhớ ơn bạn. Nhưng bạn cứ giúp mãi thì họ sẽ trở nên ỷ lại, một khi bạn không có khả năng giúp nữa thì từ ân nhân há chẳng hóa thù địch sao.
Làm người đừng dễ tính quá, hãy làm một người không dễ chung sống với người khác, cho dù quan hệ có tốt đến đâu, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời những yêu cầu trợ giúp của người khác, đừng ôm những việc nằm ngoài tầm với của mình.
Đối với những việc khiến bạn vi phạm nguyên tắc của bản thân, bạn cần nói “không”. Những người thực sự suy nghĩ cho bạn, thực sự quan tâm bạn thì chắc chẵn sẽ suy nghĩ đến việc bạn cảm thấy thế nào trước lời đề nghị vô lý đó.
Đừng quá biết điều, hiểu chuyện
Quan hệ giữa người với người đều có những giới hạn. Mỗi người đều có nguyên tắc và nghĩa vụ của riêng mình, chẳng ai có thể gánh vác giúp được.
Trong gia đình, mỗi người đều có một vị trí riêng. Trong công việc, mỗi người sẽ có nhiệm vụ riêng. Và trong xã hội, mỗi người đều có trách nhiệm riêng. Trưởng thành là khi bạn làm tốt công việc của bản thân, thể hiện tốt vai trò của mình, chứ không phải là vượt quá chức phận, đảm nhận thay nghĩa vụ của người khác.
“Làm nhiều thì sẽ sai nhiều”, quá hiểu chuyện thì thường sẽ muốn “một vai gánh vác” tất cả mọi việc, kể cả những việc giống nhau, bạn cũng sẽ làm không tốt. Trong gia đình, nếu như không phân chia rõ ràng vị trí của bố và mẹ, hai người ai cũng muốn gánh vác tất cả, có thể dẫn đến tình trạng “bỏ ra rất nhiều nhưng chẳng thu được kết quả gì”.
Trong công việc, nếu như bạn thường làm nhiều việc, đến một ngày bạn làm ít hơn sẽ bị người khác oán trách. “Những đứa bé biết khóc thì sẽ có sữa mẹ uống”, có khó gần lại chính là một sự hài hòa, một điều thú vị của cuộc sống.
Bất kể có vấn đề gì bạn hãy thẳng thắn, dù đúng hay sai thì như vậy bạn sẽ tìm ra được cách giải quyết tốt nhất. Giữa vợ chồng có gì khúc mắc hãy tâm sự với nhau, mở lòng đối thoại, cứ ôm suy nghĩ trong đầu sao người ta biết bạn đang nghĩ gì.
Không cần quá hòa đồng
Có lúc không phải là bạn không hòa đồng, mà đơn giản chỉ là bạn chưa tìm thấy những người thực sự phù hợp với mình. Làm người không nên quá hòa đồng, vì muốn hòa nhập với mọi người mà phải gò ép bản thân thì chẳng khác gì “gọt chân cho vừa giầy”, nhất định sẽ chẳng lâu dài.
Nếu cứ quá gò ép bản thân, ngày qua ngày bạn sẽ tự nhiên quên đi con người thật của chính mình, chẳng còn chính kiến, nguyên tắc, trở thành một “người vô hình” trong đám đông.
So với làm vừa lòng người khác chi bằng hãy làm tốt chính bản thân mình. Đời này ai cũng phải tự thân vận động, thực lực bản thân sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.
Hãy làm một người không dễ gần, không cần quá hòa đồng, có lý tưởng và quan điểm của riêng bạn. Đối mặt sự việc có thể nói lên quan điểm, biết được mình muốn gì mà không cần chuyện gì cũng phải đi hỏi ý kiến người khác, năng lực suy đoán sẽ chẳng thể bị mai một.
Không cần quá hòa đồng, hãy biết cách tự đứng lên, tích lũy năng lực của bản thân, khẳng định cái “chất” của bản thân. Cuộc sống này rất ngắn, hà cớ gì bạn phải tự làm tổn thương bản thân để chờ người khác đón nhận. Đường đời rất dài, sẽ chẳng có ai có thể đi cùng bạn đến cuối con đường, bạn vẫn phải tự mình bước tiếp.
(Theo Cafebiz)