Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính 2008: Những hệ quả chính trị đáng quan tâm
Quốc tế - Ngày đăng : 05:54, 28/09/2018
Cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến 2010 chứng kiến chi tiêu tăng mạnh trong khi doanh thu sụt giảm, và từ đó chính phủ Mỹ tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD, gấp 2 lần chi phí cho cuộc chiến tranh 17 năm ròng tại Afghanistan. Tính đến năm 2016, sự sụt giảm GDP bình quân đầu người của Mỹ, so với tiền khủng hoảng, đã ngốn 15% trong tổng GDP, tức 4.600 tỷ USD.
Đó là những nhận định trong bài viết trên tạp chí Harvard Business Review - ấn bản của trường Đại học Harvard (Mỹ) hồi tuần này.
Bài phân tích này đã chỉ ra rằng cho tới hiện tại, khủng hoảng 2008 được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ XXI và là đợt suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ Đại Suy thoái 1929. Thế nhưng điều khiến cuộc khủng hoảng này vẫn đáng nhìn lại sau 10 năm không chỉ là những bài học kinh tế, những hệ quả chính trị và xã hội mới chính là những điều đáng quan tâm nhất của nó.
Những năm hậu khủng hoảng, chính trường thế giới bắt đầu phân cực và chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Tại Mỹ và Anh, sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump và phong trào vận động Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit, là “tác phẩm” của quá trình trên. Ngay cả sự hồi phục của nền kinh tế ở cả 2 quốc gia này cũng không thể trấn an người dân của họ, bài phân tích nhận xét.
Theo đó, khi khủng hoảng đã nổ ra, không một nỗ lực nhà nước nào có thể loại bỏ hoàn toàn hệ quả tiêu cực mà nó mang lại.
Người dân là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả của một nền kinh tế suy thoái. Trước tình thế đó, cách thức chính quyền các đời cựu tổng thống như George W. Bush hay Barack Obama lựa chọn để đối phó khủng hoảng chỉ càng đẩy nhanh sự thay đổi trong văn hóa chính trị Mỹ.
Khủng hoảng 2008 bắt đầu từ khi bong bóng tài chính Mỹ vỡ tung. Để tránh cuộc đại suy thoái thứ 2, chính phủ Mỹ đương thời rót hàng đống tiền vào khu vực này qua những gói cứu trợ. Đây được cho là cách làm hiệu quả nhất: tránh hậu quả nghiêm trọng hơn với chi phí thấp nhất.
Thế nhưng cách làm hiệu quả nhất lại tỏ ra thiếu công bằng. Chương trình Giải cứu Tài sản xấu (TARP) vẫn tiếp tục cho các ngân hàng nhận cứu trợ duy trì mức thưởng hằng tháng cho nhân viên. Những ngân hàng này cũng không sa thải giám đốc nào, vẫn trả lương khủng cho ban quản trị và trả cổ tức cho cổ đông, thay vì tích lũy vốn để tăng sự ổn định.
Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất như GM hay Chrysler, sau khi nhận cứu trợ, phải sa thải CEO của họ và giảm lương toàn bộ nhân viên của mình, trong khi không hề gây ra cuộc khủng hoảng.
Tệ hơn, trong khi Washington nỗ lực ổn định khu vực tài chính, họ lại không trực tiếp cứu trợ đa số người dân Mỹ đang gặp khó khăn. Những quyết định được đưa ra chỉ dựa trên tính hiệu quả, vô tình hay hữu ý, đã để lại ấn tượng rằng chính phủ sẵn sàng cứu Phố Wall bằng mọi cách, nhưng không hề mảy may với phần còn lại.
Đó là lý do vì sao rất nhiều cử tri đã mất niềm tin vào giới chính trị gia truyền thống. Họ tìm tới những cá tính đột phá hơn như Donald Trump hay Bernie Sanders, hòng tìm kiếm một sự thay đổi.
Thế nhưng những “nhân tố lạ” này không phải lúc nào cũng biết cách điều khiển bánh lái quyền lực. Bằng chứng là sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump không những không tăng thuế đối với người giàu, ngược lại còn giảm thuế và xây dựng bộ máy nội các đầy những nhân vật máu mặt của giới tài chính.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Anh. Các lãnh đạo Brexit hứa hẹn đầu tư vào dịch vụ y tế quốc gia thay vì đóng quỹ EU, giảm nhập cư và kiểm soát chặt vấn đề biên giới. Nhưng 2 năm sau cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ mới của Thủ tướng Theresa May vẫn không thể tìm được tiếng nói thống nhất để đàm phán các thỏa thuận rời EU. Sự đóng băng của chính phủ liên tục gây áp lực lớn lên bà May và kéo theo sự ra đi của một số nhân vật quan trọng.
Điều hiện nay cả Mỹ và Anh cần là thoát khỏi vòng lặp không dứt từ sau khủng hoảng kinh tế. Cả ông Trump và bà May đều phải đối mặt với những vấn đề lớn như tăng thu nhập bình quân, giảm bất bình đẳng hay bảo đảm an ninh tài chính cho đa số người dân. Và trên hết, họ phải điều hành một chính phủ công bằng hơn đối với dân chúng của mình, theo Harvard Business Review.