CEO Công ty Sao Bắc Đẩu Trần Anh Tuấn: Phải kiến tạo hệ sinh thái công nghệ để phát triển

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 09:38, 03/10/2018

Trong kỷ nguyên số, muốn phát triển cần sự kết nối và đồng hành giữa các doanh nghiệp lớn, nhỏ và cộng đồng khởi nghiệp, giữa các khu vực, ngành nghề khác nhau. Không thể phát triển tách rời hệ sinh thái công nghệ mà cần xây dựng hệ sinh thái đó lớn mạnh để đi với tốc độ nhanh hơn" - ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn.
CEO Công ty Sao Bắc Đẩu Trần Anh Tuấn: Phải kiến tạo hệ sinh thái công nghệ để phát triển

Doanh nhân Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu. Ảnh: Hoàng Dũng

* Hơn hai thập niên qua, lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển rất nhanh. Ông nhìn nhận sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam với sự phát triển ấy như thế nào?

- Sao Bắc Đẩu ở vào năm thứ 22 phát triển với định hướng ngay từ khi thành lập là tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Năm 1996, Việt Nam hầu như chưa có internet, chỉ một vài doanh nghiệp có đường kết nối nhưng tốc độ cực thấp. Nhưng rồi ngành IT Việt Nam đã phát triển và hội nhập rất nhanh, là ngành mà không bị độ trễ quá xa giữa Việt Nam và thế giới.

Đến nay thì IT không thể thiếu trong nền kinh tế, từ thương mại đến công việc và cuộc sống hằng ngày. Internet đã tạo ra nhiều ngành kinh tế mới và một số ngành bị mất đi. Có thể nói bất kỳ lĩnh vực nào cũng buộc phải thích ứng với ngành kinh tế số, những khái niệm ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống như kinh tế chia sẻ, kinh tế internet hay xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Link bài viết

* Những trào lưu đó tác động thế nào đến quá trình phát triển của Sao Bắc Đẩu, thưa ông?

- Chúng tôi cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Cách đây 5 năm, Sao Bắc Đẩu chỉ có một công ty tập trung vào lĩnh vực tích hợp hệ thống hạ tầng IT, mạng, máy chủ, trung tâm dữ liệu và một thành viên cung cấp dịch vụ internet, truyền hình cáp, viễn thông cho các khu chung cư cao cấp. Nhưng rồi xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa nhòa các ranh giới công nghệ, kết hợp IT với tự động hóa, sinh học và vật lý. Chính vì thế, Sao Bắc Đẩu muốn đứng vững trong kỷ nguyên số thì phải thay đổi. Chúng tôi không chỉ có những kỹ sư tập trung vào lĩnh vực IT mà mở rộng đội ngũ am hiểu về tự động hóa, cơ điện...

Về nội ngành IT, là công ty chuyên về tích hợp hệ thống, chúng tôi chuyển sang cấu trúc mạng số dựa trên người dùng, những giải pháp cho ngành ngân hàng để ngành này cung cấp những dịch vụ trực tuyến thuận tiện, nhanh và an toàn. Nếu trước đây tập trung vào hệ thống hạ tầng thì giờ còn phần mềm, ứng dụng mới đáp ứng được cấu trúc mạng số, nên Sao Bắc Đẩu không thay đổi sẽ không phát triển được. Chúng tôi phải chuyển hóa đội ngũ mạnh mẽ để tự tin đi vào kỷ nguyên số, tự tin tiếp cận xu thế công nghiệp 4.0.

* Nhưng bằng cách tiếp cận nào để trong vòng vài năm Sao Bắc Đẩu có thể thay đổi?

- Nếu để nội tại tự thay đổi sẽ mất rất nhiều thời gian. Cách thức chúng tôi chọn là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp đi cùng chúng tôi trong những lĩnh vực đang là xu thế. Có thể nói trong xu thế công nghiệp 4.0, các công ty công nghệ, nhà cung cấp giải pháp không ai có thể đi một mình, mà theo tôi cũng không nên đi một mình mà phải cùng đi với nhau, là một tập hợp cùng hoạt động trong lĩnh vực IT và thay đổi khái niệm đối thủ thành đối tác. Bởi một công ty dù lớn nhỏ cũng sẽ có những mảng mạnh, chưa mạnh hay yếu.

Trong vòng 5 năm qua, tốc độ phát triển của Sao Bắc Đẩu hơn 30% mỗi năm và tính trong vòng 4 năm, từ 2014 đến nay, doanh thu đã tăng gấp hơn hai lần. Nhờ định hướng đó mà Sao Bắc Đẩu vượt qua nhiều doanh nghiệp trong ngành, có doanh nghiệp cách chục năm trước gấp ba lần doanh số thì nay chúng tôi đã vượt họ. Tuy nhiên con số không quan trọng bằng điều đó khẳng định mình đã đi đúng hướng. Nếu kết hợp thì tạo ra sức mạnh lớn hơn. Và đó là tinh thần của Sao Bắc Đẩu.

Các bạn trẻ khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm để phát triển nhưng họ có nhiều thứ chúng tôi không có. Nhờ sự kết hợp với họ mà chúng tôi rút ngắn được thời gian đưa giải pháp ra thị trường và tạo ra những giải pháp đầy đủ hơn so với đi một mình.

* Vậy Sao Bắc Đẩu đã hiện thực hóa tinh thần đó thế nào?

- Tôi thường nói với các cộng sự, đó cũng là hướng đi thú vị nhất, làm sao xây dựng được hệ sinh thái, kéo những doanh nghiệp nhỏ đồng hành với mình, tạo ra không gian mới và lấp những chỗ trống mà mình chưa mạnh. Để phát triển phải gắn liền đổi mới sáng tạo, không thể tách rời cộng đồng khởi nghiệp vì cộng đồng này có ý nghĩa thúc đẩy đổi mới, phát triển kinh doanh.

Các bạn trẻ khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm để phát triển nhưng họ có nhiều thứ chúng tôi không có. Nhờ sự kết hợp với họ mà chúng tôi rút ngắn được thời gian đưa giải pháp ra thị trường và tạo ra những giải pháp đầy đủ hơn so với đi một mình. Bản thân Sao Bắc Đẩu cũng phải luôn tự khởi nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào R&D.

Mặt khác, để bộ máy hoạt động phù hợp với thị trường, Sao Bắc Đẩu đã thay đổi về cấu trúc doanh nghiệp. Chúng tôi tách các đơn vị thành viên thành công ty độc lập để chuyên sâu từng lĩnh vực và tạo không gian năng động. Không còn phải lo về vốn, thị trường, việc hành chính, truyền thông thương hiệu hay đối tác, quy trình, chỉ tập trung 100% sức lực vào kinh doanh và quản trị. Thêm nữa, mình vốn dĩ là nhà phát triển giải pháp, đi nói với khách hàng về IT thì bản thân phải ứng dụng hệ thống quản trị tối ưu nguồn lực trên một nền tảng duy nhất và hiện đại.

* Là công ty mạnh về tích hợp hệ thống IT, Sao Bắc Đẩu chọn hướng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ra sao?

- Trước xu thế IoT, chúng tôi đã tập trung vào những giải pháp phục vụ hạ tầng quốc gia, như giao thông, nước, môi trường hay hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế. Từ đầu năm đến nay, Sao Bắc Đẩu đã đầu tư vào 5 doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn tăng tốc để phát triển các giải pháp về giao thông thông minh, hạ tầng nước, giải pháp về đo đếm lưu lượng nước, giải pháp kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Một mảng quan trọng khác là đầu tư vào những công ty phát triển giải pháp cho doanh nghiệp. Sao Bắc Đẩu lâu nay phục vụ chủ yếu cho khối doanh nghiệp lớn, nhưng nền kinh tế Việt Nam hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và chưa nhiều nhà cung cấp quan tâm. Nghĩa là đầu tư vào công ty khởi nghiệp có giải pháp cho khối doanh nghiệp nhỏ hơn với chi phí hợp lý hơn, cam kết dịch vụ và đồng hành với họ.

Chúng tôi cũng chọn hướng đi cùng doanh nghiệp các ngành nghề khác để xây dựng hệ sinh thái trong vai trò đối tác chiến lược về công nghệ. Suy cho cùng, lĩnh vực nào cũng cần đến công nghệ để phát triển. Nền kinh tế chia sẻ đòi hỏi sự liên kết dữ liệu giữa các ngành nghề. Vai trò của chúng tôi là bằng nền tảng công nghệ kết nối dữ liệu, kết nối dịch vụ với khách hàng, tạo nên sự liên kết trong ngành và các ngành với nhau.

Link bài viết

* Người ta nói nhiều về công nghệ và sự sáng tạo nhưng công nghệ đi vào các ngành nghề vẫn còn khá chậm, theo ông vì sao?

- Vì đa phần doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và rất nhỏ, các doanh nghiệp lớn đã triển khai khá tốt IT nhưng chỉ chiếm vài phần trăm trên tổng số doanh nghiệp. Còn hơn 95% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, họ không đủ tiềm lực cả về tài chính lẫn con người nên chỉ số ít triển khai IT. Một phần cũng do còn rất ít nhà cung cấp quan tâm phát triển giải pháp phù hợp cho mảng khách hàng này.

Kỷ nguyên số là không phải ngồi ở văn phòng tạo ra giải pháp mà phải đi cùng khách hàng. Khách hàng là một chủ thể tạo ra hệ sinh thái chứ không đơn thuần là người sử dụng giải pháp. Họ nói với tôi việc họ cần, cái họ đang vướng mắc, nếu không hiểu quy trình và cách thức thì sẽ không có giải pháp phù hợp.

Hiện nay công nghệ đã phổ biến trong nhiều ngành nghề. Uber, Grab đã khuấy động thị trường khiến các công ty truyền thống phải tư duy theo hướng phải có công nghệ để cạnh tranh. Không ai có thể đứng ngoài xu thế, nếu đi chậm sẽ bị bỏ lại. Chẳng hạn, khi taxi truyền thống "giật mình" trước xu thế công nghệ thì doanh thu đã sụt giảm không phanh, rồi cũng phải quay về với công nghệ, dù khá trễ.

* Lâu nay nhiều doanh nghiệp cho rằng đưa công nghệ tiếp cận lĩnh vực công còn rất khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Chính phủ luôn là một khách hàng lớn cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. TP.HCM đang có đề án xây dựng đô thị thông minh. Muốn công nghệ đột phá thì phải có chính quyền điện tử, phải có bộ máy đáp ứng được hoạt động của hệ thống, hạ tầng phải xây dựng cho phù hợp, rồi dịch vụ công cũng phải dựa trên nền tảng công nghệ để tạo thuận lợi cho người dùng mà mở ra thị trường cho doanh nghiệp.

Lĩnh vực công là nơi tạo ra thị trường, thúc đẩy phát triển. Đối với Sao Bắc Đẩu, doanh thu từ khách hàng  chính phủ chưa đến 10%, nhưng dựa trên những định hướng phát triển của lĩnh vực công làm cho các ngành khác ý thức cao hơn, thúc đẩy các ngành khác tiếp cận công nghệ mạnh mẽ hơn, là cách gián tiếp tạo ra thị trường công nghệ.

Khi xây dựng được chiến lược rõ ràng, thì sẽ có kế hoạch phù hợp, chứ không nóng vội chạy theo xu thế để tốn tiền mà chưa hẳn phát triển như mong muốn.

* Ông nghĩ gì về sự thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như người dùng hiện nay khi công nghệ thay đổi?

- Tốc độ phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ, hạ tầng viễn thông đã được hiện đại hóa, hiện nay nước ta có một thị trường trực tuyến với đầy đủ từ nội dung số, giải trí, thương mại điện tử... Thế giới có gì ta có đó là sự đóng góp rất lớn của nền kinh tế internet. Các nội dung số, kinh doanh đều chuyển dịch thị trường lên trực tuyến, chỉ cần ngồi nhà cũng mua được vé tàu, mua hàng hóa, hẹn khám chữa bệnh...

Công nghệ cũng làm cho người quản lý gần gũi hơn với nhân viên, tạo ra công dân gần gũi hơn với chính quyền, và chắc chắn chính quyền cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của công dân. Ngược lại, công nghệ tạo ra những công cụ mà mọi người có thể cảm thấy bị giám sát (qua mạng xã hội). Một thông tin, hành vi nào đó ngoài đời thực của người lãnh đạo hay dân thường có thể lập tức xuất hiện trên mạng xã hội, người ở vị trí càng cao càng bị giám sát. Rồi giao tiếp công dân nhanh hơn qua email, cổng điện tử đều là những công cụ do công nghệ tạo ra.

* Gần đây thông điệp về chính phủ kiến tạo phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên quen thuộc, theo ông cần những yếu tố nào để thành công?

- Tôi nghĩ, hiện nay Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều đã ý thức rất rõ về vai trò công nghệ. Chính phủ đề cập nhiều về 4.0, về kỷ nguyên số là kịp thời. Nước ta đi sau, còn thiếu nguồn lực tài chính, chọn lĩnh vực IT là nơi có nhiều cơ hội phát triển. Kỳ vọng mà Chính phủ đặt vào công nghệ để phát triển đất nước cho thấy chúng ta đã hiểu được vai trò và ích lợi của nó. Tôi làm việc nhiều chục năm trong ngành và hiểu rằng giới trẻ có tố chất phù hợp để đưa Việt Nam trở thành đất nước mạnh trong lĩnh vực IT.

Về phía doanh nghiệp, công nghệ là quan trọng nhưng cần triển khai có phương pháp, phù hợp với năng lực con người và tài chính. Trước mắt sớm đưa công nghệ thành một trong những định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp. Khi xây dựng được chiến lược rõ ràng sẽ có kế hoạch phù hợp chứ không nóng vội chạy theo xu thế sẽ tốn tiền mà chưa hẳn phát triển như mong muốn. Với các bạn trẻ khởi nghiệp cũng thế, cần nhìn ra thị trường để có sản phẩm phù hợp chứ không chỉ làm theo ý thích trong phòng nghiên cứu.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ! 

TUYẾT ÂN