Dệt may, da giày Việt Nam đón dòng đầu tư đang dịch chuyển
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:18, 05/10/2018
Xuất khẩu dệt mayViệt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội |
Tăng trưởng vượt bậc
Việt Nam đã đạt kỷ lục đáng nhớ trong đầu năm 2018 khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 thế giới. 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh khi đạt 19,7 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tập đoàn dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại.
Cũng như thế, ngành da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch Hội da giày TP.HCM, trong lĩnh vực giày dép, Việt Nam hiện có hơn 700 nhà sản xuất với hơn 1,5 triệu lao động, trong đó hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 70% doanh số xuất khẩu.
Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong khu vực về xuất khẩu giày dép với kim ngạch đạt 6,5 tỷ USD (trong năm 2011) tăng lên 13 tỷ USD trong vòng 6 năm và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm nay. Sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, The North Face, Timberland, Columbia... đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Việt Nam là quốc gia năng động tại khu vực Đông Nam Á khi ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là những điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may, da giày Việt Nam hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Theo đó, vốn FDI vào dệt may tăng mạnh từ khi Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP. Trong cao điểm 2014 - 2015, vốn nước ngoài cam kết đổ vào Việt Nam lần lượt là 1,75 và 2,6 tỷ USD. Năm 2017, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, tổng vốn FDI đổ vào dệt may còn 651,4 triệu USD. Tuy nhiên, CPTPP, EVFTA là lý do giúp vốn FDI dệt may dự báo tăng trở lại.
Theo Tổng cục Hải quan, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, kế đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong 31 tỷ USD giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt được trong năm 2017 thì xuất khẩu vào Mỹ đạt 12,8 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 9,11 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, hàng dệt may sang Mỹ trong năm nay có thể đạt từ 13,8 - 14 tỷ USD.
Ông Nguyễn Bình An - Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho biết, với các yếu tố tích cực trong năm 2018 cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... có thể thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Cộng đồng kinh tế ASEAN đang mang lại cơ hội tốt cho Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu tốt hơn, hình thành dây chuyền cung ứng mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Đón dòng đầu tư mới
Bên cạnh những lợi thế trên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Mỹ, thay thế phần nào hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường này, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đón dòng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam để đa dạng hóa các dự án đầu tư của họ.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Bình An cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm tăng động lực dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu trong khi Việt Nam mới chỉ chiếm 3%. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang dịch chuyển sản xuất qua châu Phi, Đông Á và Việt Nam vẫn là điểm sáng của ASEAN trong cuộc dịch chuyển này bởi sự tương đồng về văn hóa.
Ở lĩnh vực da giày, thời gian qua, đã có nhiều đối tác tìm đến Hội Da giày TP.HCM nhờ tư vấn nên đầu tư ở đâu, đầu tư vào cái gì. "Chúng tôi tư vấn họ nên đầu tư vào nguyên phụ liệu vì ngành da giày Việt Nam đang phải nhập từ 75 - 85% nguyên liệu. Tuy nhiên, Hội cũng đề nghị phía Trung Quốc liên kết với doanh nghiệp Việt Nam chứ không nên làm riêng", ông Nguyễn Văn Khánh nói thêm.
Dòng vốn FDI vào dệt may, da giày Việt Nam tăng mạnh cũng là lý do khiến các nhà sản xuất, kinh doanh máy móc, nguyên phụ liệu nước ngoài hào hứng với các cuộc triển lãm tại Việt Nam. Chia sẻ trước thềm triển lãm về công nghệ dệt may VTG 2018 (diễn ra vào cuối tháng 11 tới tại TP.HCM) ông Liang Qi Ming - Giám đốc quản lý dự án sự kiện, Đại diện Phòng thương mại Thiết bị May Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, ở 2 lần triển lãm trước, đoàn doanh nghiệp của Quảng Đông chốt được khá nhiều hợp đồng.
Năm ngoái, có đơn vị bán được vài chục máy ngay tại triển lãm, với giá mỗi máy vài chục nghìn USD. Triển lãm năm nay chưa diễn ra nhưng đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký trước cho triển lãm 2019. Tương tự, ở ngành da giày, bà Zhong Yan Li - Hiệp hội Máy làm giày Quảng Đông cho biết, đã có 30 doanh nghiệp da giày của tỉnh xây dựng nhà máy, văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Ông Herb Cochran - nguyên Giám đốc điều hành AmCham Vietnam tại TP.HCM cho biết, những năm gần đây, thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại Mỹ giảm từ 40% xuống còn 35%. Cách đây 4 năm, AmCham đã tổ chức đoàn 40 doanh nghiệp đến Việt Nam và 90% các doanh nghiệp trong đoàn cho biết sẽ mua hàng may mặc, da giày Việt Nam thay cho Trung Quốc. Thời điểm đó, 90% các mặt hàng da giày của Mỹ được mua từ Trung Quốc nhưng "vì không thấy còn cơ hội tại thị trường này nên họ chuyển qua Việt Nam", ông Herb Cochran cho biết.