Dệt may, da giày Việt Nam: Làm sao tránh thành "trạm trung chuyển" hàng Trung Quốc?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:33, 07/10/2018

Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng doanh nghiệp may mặc, da giày cũng gặp không ít thách thức khi tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể biến Việt Nam thành "trạm trung chuyển" của hàng Trung Quốc đi các nước.
Dệt may, da giày Việt Nam: Làm sao tránh thành

Phần lớn các thương hiệu giày dép ngoại như Adidas, Nike, Keds... đều sản xuất tại Việt Nam

Khó khăn ấy không chỉ đến từ khách quan mà còn từ thực tại nội lực doanh nghiệp.

Cẩn trọng với gian lận xuất xứ

Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động và làm giảm thương mại toàn cầu trong dài hạn. Vì cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là đối tác kinh tế lớn và quan trọng của Việt Nam nên cuộc chiến này tác động không nhỏ đến Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 28/9, TS. Vũ Thành Tự Anh - thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài trên 70% nên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến này. Vì vậy, nền kinh tế cần phải tái cơ cấu, hạn chế dần phụ thuộc vào nước ngoài mà phải coi nội lực là chính. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng sức cầu trong nước, đồng hành với doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn bởi đó là nhân tố thúc đẩy lực cầu trong nước đi lên.

Cùng nhận định này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tác động của cuộc chiến này có thể làm chao đảo dòng đầu tư vào Việt Nam. "Đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng nhưng không loại trừ có những đầu tư không mong muốn", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Link bài viết

Theo các chuyên gia, một vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm là xuất xứ nguyên liệu. Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và không loại trừ có khả năng Mỹ có động thái hạn chế các sản phẩm sản xuất ở nước khác có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Khi đó sẽ rất bất lợi với ngành dệt may vốn nhập rất nhiều nguyên liệu từ nước này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đối phó với những khó khăn khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu, không loại trừ tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu. Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, các doanh nghiệp Việt còn chịu rủi ro vì Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. Và hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng được đưa vào tầm ngắm soát xét nhiều nhất vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc.

Do vậy, doanh nghiệp phải tự thân vận động, tìm hiểu quy tắc xuất xứ để đáp ứng được tiêu chí hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu trong nước và các nước khác thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Cần củng cố nội lực

Ông Nguyễn Bình An - Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, tỷ trọng xuất khẩu giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đang có sự thay đổi và dịch chuyển lớn. Cụ thể, giai đoạn năm 2000 - 2005, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp vốn trong nước là 60% và doanh nghiệp FDI là 40%. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp vốn trong nước chỉ còn 30% và doanh nghiệp FDI là 70%, và có khả năng tỷ lệ này sẽ là 20% và 80% trong thời gian tới.

Cùng với đó, hàng dệt may xuất đi phần nhiều là gia công đơn thuần (CMT). Các doanh nghiệp dệt may FDI "lấn át" doanh nghiệp nội do doanh nghiệp FDI có nhiều tiềm lực sẵn có tốt hơn như thị trường, nhân lực, đào tạo, công nghệ, nguồn nguyên liệu... Các doanh nghiệp FDI mang những lợi thế từ đất nước của mình để sang Việt Nam tận dụng nguồn lao động giá rẻ hơn, giá đất tốt và điều kiện về môi trường chưa siết chặt như các quốc gia phát triển.

Ngành da giày cũng thế, thời điểm trước năm 2010, tăng trưởng của ngành là 15 - 21%. Thế nhưng, hiện nay tăng trưởng trung bình chỉ còn 10 - 12%.

Bất lợi về nguồn cung nguyên phụ liệu là một trong những nguyên nhân khiến ngành dệt may và da giày mặc dù còn dư địa phát triển nhưng vẫn chưa thể bứt phá. Nguyên phụ liệu dệt may thiếu nhiều nhất hiện nay là vải vì Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung. Năm 2017, các doanh nghiệp ngành may có nhu cầu 9 tỷ m2 vải nhưng trong nước chỉ cung ứng được hơn 4 tỷ m2, còn lại phải nhập khẩu. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giúp ngành dệt may phát triển chuyển từ gia công sang những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo ông Nguyễn Bình An, hiện các doanh nghiệp gia công chỉ đơn giản là cắt vải, ráp và xuất khẩu, còn nguồn nguyên phụ liệu thì bị đối tác chỉ định mua. Vì vậy, "nếu có nguồn vải tại nội địa, doanh nghiệp chủ động nguồn vải thì toàn bộ giá trị đó sẽ ở lại Việt Nam, tăng giá trị cạnh tranh và lợi thế cho doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam", ông Nguyễn Bình An cho biết.

Tương tự, nguồn nguyên liệu chính của sản xuất da giày là da nhưng phải nhập khẩu từ 75 - 80%, đế giày cũng nhập 30%. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan. Nguồn nguyên liệu chậm phát triển do các địa phương từ chối ngành thuộc da vì ô nhiễm.

Trong khi đó, ngành thuộc da hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm nhưng các doanh nghiệp không chịu làm. "Khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nguồn nguyên phụ liệu. Ngành đã phát triển gần 30 năm mà nguồn nguyên phụ liệu vẫn cứ èo uột, chạy đầu này đầu kia để tìm chỗ sản xuất nguyên phụ liệu", ông Nguyễn Văn Khánh đánh giá.

Bên cạnh nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp Việt Nam còn bất lợi khi trình độ tay nghề của công nhân ngành may mặc và da giày còn thấp. Với công nghệ máy móc hiện đại, đòi hỏi công nhân phải có kỹ thuật nhất định để sử dụng máy có tính tự động cao. Ông Nguyễn Bình An cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dịch chuyển từ nơi có lao động giá cao sang nơi có lao động giá hợp lý hơn và Việt Nam là nơi lý tưởng để các doanh nghiệp dệt may dịch chuyển về.

Thế nhưng, trước dòng đầu tư quá nhanh và quá mạnh thì Việt Nam lại thiếu lao động có tay nghề. "Chúng ta nói nhiều đến tự động hóa, về công nghệ 4.0 và ngày càng có nhiều công nghệ hiện đại, máy móc tân tiến được đưa vào sản xuất. Chính vì vậy, ngành dệt may rất cần lao động có kỹ năng. Ngày xưa, một công nhân có thể ngồi một máy nhưng giờ đây một công nhân phải ngồi 2 - 3 máy", ông Nguyễn Bình An cho biết.

Hiện tại, hệ thống đào tạo nhân lực dệt may, da giày chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư khi doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, máy móc mới. Đã vậy, thu nhập của lao động ngành da giày đang giảm mạnh. Nguyên nhân là do trước đây, nguồn cung sản phẩm da giày chỉ có Việt Nam, Ấn Độ nhưng hiện nay còn có thêm Bangladesh, Myanmar, Campuchia nên "miếng bánh" phải chia đều dẫn đến sản lượng giảm, mà sản lượng giảm thì mức lương của người lao động cũng giảm theo.

Theo Bộ Công Thương, năm 2019 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may, da giày trong giai đoạn cần sự bứt phá, chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, hội nhập vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Điều này đỏi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng với mong muốn mang lại giá trị tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng.

HỒNG NGA