IMF cảnh báo về một đợt khủng hoảng mới
Quốc tế - Ngày đăng : 09:46, 08/10/2018
IMF nhận định nhiều chính phủ bất lực trước việc quản lý nghiêm các công ty bảo hiểm và quản lý tài sản, hay cả những “ngân hàng trong bóng tối”. |
Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về một khủng hoảng tài chính tiếp theo. IMF mới đây cũng khẳng định hàng loạt nỗ lực cải tổ của các chính phủ đều đã thất bại, không thể bảo vệ nền kinh tế khỏi những hành vi liều lĩnh khiến nền kinh tế trở nên bất ổn.
Theo The Guardian, nợ toàn cầu sau quý I năm 2018 chạm mốc 247 nghìn tỷ USD, lập một kỷ lục mới, vượt qua cả thời điểm trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong suốt 10 năm qua, chính phủ các nước đã cố gắng tăng dự trữ ngân hàng và kiểm soát chặt khu vực tài chính. Thế nhưng, chính việc hạ lãi suất và nhiều chuyển biến hiếm được để ý khiến cho nguy cơ này dịch chuyển sang các lĩnh vực mới.
IMF nhận định nhiều chính phủ bất lực trước việc quản lý nghiêm các công ty bảo hiểm và quản lý tài sản, hay cả những “ngân hàng trong bóng tối”. Đây đều là những nơi đang nắm giữ hàng nghìn tỉ đô tiền vốn. Ngoài ra, nỗi lo càng lớn dần khi những ngân hàng tầm cỡ quốc tế như JP Morgan hay Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã bành trướng gấp nhiều lần so với năm 2008. Nếu chúng sụp đổ, chuỗi hậu quả kéo theo sẽ vô cùng nặng nề.
Theo báo cáo về tính ổn định tài chính toàn cầu của IMF, những nỗ lực ngăn chặn một đợt suy thoái mới gần như bị che lấp bởi sự chủ quan bởi giới cầm quyền và quay lưng với các thỏa thuận quốc tế. Chủ tịch IMF Christine Lagarde nói bà lo ngại về tổng giá trị nợ toàn cầu, cả ở khu vực nhà nước và tư nhân, đã tăng 60% đạt 182 nghìn tỷ USD, chỉ trong vòng một thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Link bài viết
Hiện nay, với lãi suất ở Mỹ đang tăng cao, chính phủ và doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển rất dễ chịu tác động tiêu cực. Điều này có thể khiến dòng vốn bị cắt đứt và đẩy các nền kinh tế trên vào bất ổn. Ngoài ra, những khoảng vay mượn của các tập đoàn lớn cùng chính phủ lại không được dồn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sâu hơn, hay đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Đây là xu hướng xuất hiện kể từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng tài chính. Nó đang giới hạn tiềm năng phát triển của các nước và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vị trí nguy hiểm. Một chuỗi dư chấn và các chính sách ứng phó sau khi ngân hàng lớn trên sụp đổ đã gây ra nhiều hệ quả. So với mức 36% trước khi khủng hoảng xảy ra, trung vị tỷ lệ nợ công/GDP của các nước đã đạt mức 52%. Bảng cân đối của ngân hàng trung ương, đặc biệt ở những nền kinh tế tiên tiến, đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Nếu tính theo sức mua tương đương, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang đóng góp 60% GDP toàn cầu, so với trước khủng hoảng là 44%. Trong khi đó các nền kinh tế lớn vẫn phục hồi khá ì ạch. Giống như nhiều tổ chức khác, IMF cũng cảnh báo rằng sự bất bình đẳng đang gây ra tác động xấu lên hoạt động đầu tư và năng suất sản suất. Nhóm những người nắm giữ nguồn vốn lại chia chác nó thay vì tái đầu tư vào những nơi sinh lợi trong bộ máy kinh tế. Thiếu vắng sự đầu tư này, kinh tế thế giới sẽ vẫn còn bị đe dọa bởi những đọt khủng hoảng tài chính mới.