Ngân hàng trước xu hướng tăng lãi suất
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:33, 10/10/2018
Liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đủ sức hóa giải thách thức này và không bị cuốn theo làn sóng của ngân hàng trung ương các nước?
Từ ổn định kinh tế vĩ mô...
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái tăng trưởng quá nóng dẫn đến phải tăng lãi suất để kìm hãm, thì các chỉ số về kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang giữ được sự ổn định, nhưng một số NHTM tăng lãi suất huy động gần đây khiến không ít người lo ngại áp lực lên mặt bằng lãi suất đến lúc nào đó buộc NHNN phải hành động. Theo đó, phải tăng lãi suất điều hành chủ chốt để dỡ bỏ áp lực đè nặng lên thị trường.
Về cơ bản, lãi suất sẽ chịu áp lực tăng khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên thiếu hụt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, NHNN đã điều hành linh hoạt việc bơm hút vốn cho thị trường để hóa giải tình trạng thiếu vốn cục bộ tại một số ngân hàng, cũng như xử lý các ngân hàng yếu kém.
Với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, năm nay và có thể cả năm sau, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng sau thời kỳ "thả phanh" cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Với vốn đầu ra bị thắt lại, nhu cầu huy động của các ngân hàng cũng sẽ giảm xuống, do đó góp phần giải tỏa áp lực mặt bằng lãi suất huy động.
Lạm phát và tỷ giá mới là mối lo ngại chính đối với lãi suất trong giai đoạn tới. Nếu lạm phát không được kiểm soát tốt ở mức ổn định, cũng như tiền đồng rơi vào nguy cơ bị mất giá mạnh, thì kênh tiền gửi ngân hàng sẽ trở nên kém hấp dẫn và do đó có thể ảnh hưởng đến lượng tiền gửi tại các ngân hàng. Và như vậy, áp lực thanh khoản lại quay trở lại và trong tình hình mà vốn huy động cứ giảm dần thì nhà điều hành cũng khó duy trì mãi chính sách bơm vốn để hỗ trợ hệ thống, vì nguồn lực này có hạn.
Khi đó, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất lên đủ cao so với lạm phát cũng như khả năng mất giá đồng nội tệ để đảm bảo hấp dẫn người gửi tiền. Do đó, ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt ở 2 biến số khó lường và có sự tác động rất mạnh là lạm phát và tỷ giá là mục tiêu hàng đầu của nhà điều hành hiện nay cũng như trong thời gian tới. Và điều này không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN mà còn cả chính sách tài khóa cũng như cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa các cơ quan quản lý.
...Đến đảm bảo khả năng sinh lời cho nền kinh tế
Thông thường, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa thích những nền kinh tế ổn định hơn là những thị trường dù suất sinh lời cao nhưng lại có quá nhiều rủi ro và bất ổn.
Cũng cần biết rằng, một quốc gia có lãi suất cao không đồng nghĩa với nền kinh tế tốt, mà còn là do rơi vào khủng hoảng khiến chính sách tiền tệ phải hoạt động hết "công suất" để hạn chế những bất ổn. Trong khi đó, với những nền kinh tế tăng trưởng quá nóng cũng có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn, khiến ngân hàng trung ương cũng phải tăng lãi suất để kiềm chế bớt. Mỹ là nền kinh tế nằm trong số này vào thời điểm hiện nay.
Để giữ chân được dòng vốn đầu tư, thậm chí có thể thu hút thêm dòng vốn mới rót vào, ngoài việc giữ ổn định nền kinh tế tránh rơi vào bất ổn, thì phải đảm bảo khả năng sinh lời cho nền kinh tế ở mức hấp dẫn.
Vấn đề chính của xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư trong thời gian qua chính là đến từ những ngân hàng trung ương tại các nước phát triển. Do trong giai đoạn khủng hoảng trước đây, các ngân hàng trung ương này đã giảm lãi suất xuống mức cực thấp, bơm vốn ồ ạt vào nền kinh tế thông qua các gói giải cứu, nới lỏng định lượng, từ đó kích thích giới đầu tư vay vốn và tỏa ra khắp thế giới tìm đến những nơi có suất sinh lời cao hơn, trong số này những nền kinh tế mới nổi là nơi hấp thụ đáng kể dòng vốn này.
Nay các ngân hàng trung ương này thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trở lại, trong khi giá tài sản ở các thị trường mới nổi đã tăng quá mức suốt những năm qua dẫn đến lo ngại bong bóng, vì vậy dòng vốn đầu tư trên nhanh chóng tháo chạy và hồi hương để hoàn trả các khoản vay, vừa đảm bảo giữ được lợi nhuận và tránh chi phí vay vốn đang trở nên đắt đỏ hơn. Xu hướng này càng gây áp lực giảm giá lên các thị trường chứng khoán và đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi mà đã tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Vì vậy, để giữ chân được dòng vốn đầu tư này, thậm chí có thể thu hút thêm dòng vốn mới rót vào, ngoài việc giữ ổn định nền kinh tế tránh rơi vào bất ổn, thì phải đảm bảo khả năng sinh lời cho nền kinh tế ở mức hấp dẫn, mà không cần đến giải pháp tăng lãi suất vốn cũng sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường tài sản. Theo đó tăng trưởng kinh tế cần tiếp tục duy trì ở mức ổn định vừa phải, không cần phải quá nóng có thể dẫn đến tiềm ẩn rủi ro không đáng có.
Đối với các thị trường tài sản, kiểm soát dòng vốn hợp lý và ban hành các chính sách quản lý phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, tránh để rơi vào hiện tượng bong bóng bơm lên quá mức so với giá trị thật sự. Nếu suất sinh lời ở các thị trường tài sản trong nước vẫn đảm bảo được sự ổn định và cao hơn chi phí vay vốn tại các nền kinh tế phát triển, thì tin chắc dòng vốn không những không bị rút ra mà còn có thể hấp dẫn thêm các dòng vốn mới.
Việt Nam hiện tại đang có nhiều điều kiện thuận lợi, khi gần đây không chỉ được nâng xếp hạng tín nhiệm, mà còn được các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục duy trì ổn định ở mức cao. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội được đưa vào danh sách thị trường mới nổi vào năm sau hoặc chậm hơn là năm 2020. Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp được ban hành với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cũng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường duy trì sức hút.