OPEC lại hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu
Quốc tế - Ngày đăng : 01:09, 15/10/2018
Đây là lần thứ 3 tổ chức này sửa dự báo của mình trong vòng nhiều tháng qua, trước tình hình bất ổn từ chiến tranh thương mại, nền tài chính yếu kém ở các thị trường mới nổi đến các thách thức địa chính trị.
Trong Báo cáo Thị trường dầu mỏ hằng tháng mới nhất, OPEC đã thay đổi dự báo tăng trưởng tiêu thụ xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 80.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Hồi tháng 9, dự báo cho cả năm 2018 và 2019 từng được thay đổi, với mức giảm nhẹ 20.000 thùng/ngày. Thế nhưng trong báo cáo ngày 11/10, OPEC ước tính tăng trưởng tiêu thụ dầu năm sau chỉ vào khoảng 1,36 triệu thùng/ngày, thấp hơn 50.000 thùng so với số liệu ước đoán tháng trước. Dự báo này phản ánh tình hình phát triển kinh tế trì trệ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Argentina. Kết quả là ước tính sản lượng tiêu thụ sẽ vào khoảng hơn 100 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Liên minh dầu mỏ hàng đầu thế giới cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế khác biệt giữa các khu vực là một trong những nguyên nhân sẽ gây ra sụt giảm tiêu thụ dầu. Ngoài ra, còn có chính sách thắt chặt tiền tệ, hệ thống tài chính yếu kém ở một số thị trường và nền kinh tế mới nổi, các tranh chấp thương mại cũng như một số căng thẳng địa chính trị khác.
Sau khi lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Iran sẽ sụt giảm 1,5% trong năm 2018 và lao dốc hơn nữa trong năm 2019 với 3,5%. Theo IMF, “cắt giảm sản xuất dầu mỏ” là nguyên nhân chính cho sự sa sút của Iran. Trong vài tháng tới, sản lượng dầu mỏ của quốc gia này sẽ tiếp tục sụt giảm.
Arab Saudi và Nga đang cố gắng tăng sản lượng khai thác dầu của họ để cố kiểm soát giá dầu đang tăng cao. Tehran cảnh báo rằng nỗ lực này của Moscow và Riyadh là vô ích, và họ không thể bù đắp nổi cho phần thiếu hụt của thị trường thế giới.
Trong khi đó, dữ liệu do Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố tuần trước cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2016, vào tháng 8, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Mỹ.
Theo OilPrice, đây là đòn phản pháo cho các trả đũa thương mại bằng thuế quan của Mỹ. Sau khi Washington dỡ bỏ rào cản xuất khẩu vào cuối năm 2015, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu lượng lớn dầu thô của Mỹ. Nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 23% lượng dầu thô xuất khẩu của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2017, và 22% thế giới năm nay (tính đến tháng 8).
Tuy chưa chính thức tuyên bố, Bắc Kinh từng cảnh báo vào tháng 6 sẽ áp thuế nhập khẩu 25% dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Lời đe dọa này trực tiếp phản pháo 50 tỷ USD tiền thuế thu từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp lời cảnh cáo không được trả đũa của Tổng thống Trump.
Điều này có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không ủng hộ lệnh trừng phạt của ông Trump đối với Iran. Hiện quốc gia trên đang mua ¼ lượng dầu thô Iran xuất khẩu. Dù Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phản đối lệnh trừng phạt này, nhưng không phải nước nào cũng muốn mạo hiểm gây mâu thuẫn với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng có thể khiến chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình về phe Iran, đe dọa phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc, tuy vẫn có cách, vẫn khó lòng giải quyết vướng mắc trước tình trạng Iran đang chịu lệnh trừng phạt đối với hoạt động khai thác dầu của mình.