Vàng, tiền mật mã - các kênh đầu tư an toàn trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:27, 19/10/2018

Chưa bao giờ nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới lại đến gần như thế, mà theo dự báo gần đây của các định chế tài chính quốc tế có thể là từ năm 2020.
Vàng, tiền mật mã - các kênh đầu tư an toàn trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế?

Khủng hoảng bao giờ cũng đi kèm với tăng trưởng kinh tế sụt giảm, môi trường lạm phát cao và sự suy yếu của các thị trường tài sản, đặc biệt là những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán hay bất động sản. Ngược lại, những kênh đầu tư có tính an toàn như vàng có thể được lợi khi thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Như ngày 10 và 11/10 vừa qua, chỉ số Dow Jones đã giảm gần 1.400 điểm chỉ trong vòng 2 phiên, trong đó phiên ngày 10/10 mất hơn 831 điểm. Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ ngay ngày hôm sau.

Trong 2 ngày đó, một tài sản truyền thống lâu đời và luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, giá vàng đã tăng một mạch từ mức quanh 1.180 USD/oz lên gần mốc 1.230 USD/oz, tức tăng gần 50 USD, tương đương hơn 4%.

Nếu nhìn vào diễn biến giá vàng quốc tế mắc kẹt dưới mốc 1.200 USD/oz suốt thời gian qua, thậm chí có lúc xuống mức thấp nhất gần đây tại 1.160 USD/oz vào giữa tháng 8 thì mới thấy sự tăng giá vừa qua có ý nghĩa lớn như thế nào. Điều đó không chỉ giúp giá vàng phá vỡ xu hướng đi xuống trên biểu đồ kỹ thuật hằng tuần, mà còn giúp kim loại quý này chứng tỏ lại được vị thế là kênh đầu tư an toàn mỗi khi nỗi lo về kinh tế suy giảm tăng cao.

Link bài viết

Giá vàng đã gần như không có sự bứt phá rõ ràng nào trong suốt 5 năm qua và xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, với nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế kế tiếp, mà dấu hiệu là sự điều chỉnh giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây, thì vàng được kỳ vọng có thể tìm lại vị trí của mình trong giai đoạn tới.

Mốc cao nhất mọi thời đại của giá vàng là 1.920 USD/oz thiết lập vào tháng 9/2011 - giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính và bắt đầu xuất hiện cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Dù nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng khó có thể quay lại được mốc kỷ lục này, nhưng nếu nền kinh tế lại rơi vào một cuộc khủng hoảng thì khó có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Trong lịch sử, vàng luôn chứng tỏ được chức năng của một tài sản lưu giữ giá trị tốt nhất trong khủng hoảng kinh tế với lạm phát cao.

Một tài sản khác được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây có thể thay thế vàng như là một nơi trú ẩn an toàn khi các thị trường tài sản khác suy yếu, đó là "vàng kỹ thuật số" Bitcoin. Nhiều nhà đầu tư tiền mật mã lẫn một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường tiền mật mã, trong đó Bitcoin là đại diện lớn nhất, có thể thu hút dòng tiền từ các kênh tài sản khác đổ sang nếu nguy cơ khủng hoảng xảy ra.

Cơ sở cho quan điểm trên là thị trường tiền mật mã còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng và có thể là nơi lưu trữ giá trị tốt nhất, do nguồn cung Bitcoin sẽ bị giới hạn ở mốc 21 triệu Bitcoin có thể đạt được trong tương lai, do đó Bitcoin không thể in thêm hàng loạt như tiền pháp định mà hệ quả là làm suy giảm giá trị đồng tiền.

Tuy nhiên, diễn biến trong những ngày qua cho thấy Bitcoin chưa chứng tỏ được như những gì đã được kỳ vọng. Theo sau sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, thị trường tiền mật mã cũng lao dốc không phanh, với Bitcoin phá vỡ ngưỡng dưới của biên độ dao động gần đây tại 6.400 USD, và có lúc rớt về mốc 6.100 USD/BTC.

Sau khi đạt mốc cao nhất gần 20.000 USD/BTC vào cuối năm 2017, giá Bitcoin đã duy trì xu hướng đi xuống kể từ đó đến nay. Các đợt phục hồi thỉnh thoảng xảy ra nhưng đỉnh sau luôn thấp hơn đỉnh trước càng khiến triển vọng của kênh đầu tư này ngày càng bi quan. Và với diễn biến rơi mạnh theo sau chứng khoán, vai trò "vàng kỹ thuật số" của Bitcoin đang bị đe dọa nghiêm trọng và làm mất niềm tin của nhiều người.

Dù vậy, vẫn có những dự báo cho rằng Bitcoin sau khi chạm đáy vào giữa năm 2019 thì sẽ bắt đầu quay trở lại xu hướng tăng, và có thể đạt tới mốc hơn 27.000 USD/BTC vào cuối năm 2021 và lên tận 30.000 USD/BTC vào giữa năm 2022, cũng là thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu có thể đã chìm sâu vào khủng hoảng theo như các phân tích gần đây.

GIA LÊ