Bàn chuyện mở rộng TP.HCM
Bất động sản - Ngày đăng : 06:29, 21/10/2018
Ảnh minh họa: Quý Hòa |
Nguyên nhân cần mở rộng theo GS.KTS Trần Ngọc Chính là do TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về nhiều mặt: đô thị, dân số, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật,... là trung tâm của vùng Đông Nam bộ và cả phía Nam. Vì vậy, Thành phố có vị trí, vai trò rất lớn và trong tương lai cần phát triển thành đại đô thị để tranh đua với các đô thị lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, Thành phố đang đối diện với nhiều khó khăn như bùng nổ dân số, hệ thống giao thông công cộng không hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng quá tải, ngập, kẹt xe... Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này thì với vai trò là một đô thị lớn, TP.HCM phải có các trung tâm tầm cỡ khu vực về kinh tế, văn hóa, giáo dục, bệnh viện, khu vui chơi thể thao, triển lãm, hệ thống giao thông tĩnh - động...
Ngoài ra, một đô thị lớn không thể dành tất cả diện tích đất cho xây dựng mà cần có vành đai xanh. "Hiện nay dân số TP.HCM là trên 10 triệu người mà đã thiếu đất xây dựng nhà ở, sau này lên 15 triệu dân thì càng thiếu hơn. Có người nói thiếu đất xây dựng thì xây nhà cao tầng nhiều hơn nhưng tôi cho rằng khu vực trung tâm không nên cao tầng hóa nhiều vì nền đất Thành phố vốn đã khá yếu", GS-KTS. Trần Ngọc Chính phân tích.
Lý giải về đề xuất mở rộng không gian đô thị TP.HCM theo phương án về phía tỉnh Long An lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng Long An ở phía nam TP.HCM, khu vực phía nam cũng gắn liền với biển nên tốt hơn. "Không nhà quản lý nào đề xuất chuyện này nhưng dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu độc lập, tôi nghĩ nên như thế. Hướng mở rộng về tỉnh Long An sẽ tạo điều kiện cho phía nam TP.HCM phát triển tốt", ông Trần Ngọc Chính nói.
Liên quan đến ý kiến và đề xuất của các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, có 4 vấn đề phải giải quyết.
Thứ nhất, về quy hoạch tổng thể, phải có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh; quy hoạch gắn với giao thông, gắn với liên kết vùng.
Thứ hai, về chức năng và cơ cấu kinh tế, Thành phố đề xuất hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông. Đây là nơi có mật độ cao nhất về công nghiệp công nghệ cao và về trí tuệ sáng tạo của Thành phố.
Thứ ba, để giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp, trong quy hoạch TP.HCM phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, giảm áp lực dân số đổ về Thành phố.
Yếu tố cuối cùng theo ông Nguyễn Thiện Nhân là mô hình quản lý hành chính có sự phân hóa về diện tích và dân số, cách quản lý còn có sự phân biệt giữa quận và huyện. Do đó, Thành phố đang nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện để đảm bảo vận hành hợp lý hơn.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, diện tích huyện Cần Giờ (704km2) gấp 140 lần quận nhỏ nhất (quận 4, khoảng 5km2), nếu Cần Giờ có 70.000 dân thì các quận nội thành có tới 600.000 dân, hơn 8,7 lần. Chỉ tính riêng 2 huyện Cần Giờ, Củ Chi đã có diện tích 1.139km2, dân số 900.000 người. Nghĩa là dân số 2 huyện này chỉ chiếm 10% nhưng diện tích chiếm 54%.
"Thành phố sẽ không kiến nghị xin thêm đất mà phải tính cách sử dụng cho tốt đất ở 2 vùng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các chuyên gia để góp phần hoàn thiện quy hoạch TP.HCM", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.