Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV: Bàn thảo nhiều vấn đề làm nền tảng cho phát triển kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 04:16, 23/10/2018
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp cho thấy, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hàng hóa.
Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57%, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tăng dưới 4%, năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%.
Những ghi nhận của Chính phủ là thực tế, song chưa phản ánh đầy đủ thực trạng của nền kinh tế nước ta hiện nay. Trong 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, nhiều cử tri chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong nền kinh tế.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ làm việc trong 24 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 21/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội bàn về dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính và đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; thảo luận, biểu quyết và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước; xem xét, thông qua 9 dự án luật và thảo luận 6 dự án luật khác, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; xem xét thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan…
Hiện nay, sức ép lạm phát đang rất lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thế giới và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế. Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế.
Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm, trong khi sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém, còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng kinh tế Việt Nam trên một số lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh. Song, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017, bậc 77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao còn ở mức thấp. Đây là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Cử tri đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ và Thủ tướng cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất hơn, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, thuế, hải quan, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút mạnh hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và những lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Cũng trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đọc tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội Khóa XIV đã được Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.