Giám đốc Global Art&Creative Ngô Thị Thùy Trang: Kinh doanh là một nghệ thuật

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 07:00, 26/10/2018

Nữ doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang - Giám đốc Global Art&Creative tự nhận mình là người mê làm việc. Bà nói rằng cứ mỗi 5 năm, bản thân lại nghĩ ra một cái gì đó mới mẻ để làm, nếu không sẽ thấy mình... cũ mèm.
Giám đốc Global Art&Creative Ngô Thị Thùy Trang: Kinh doanh là một nghệ thuật

Nữ doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang - Giám đốc Global Art&Creative

Đến nay, bà Trang đang là chủ ba công ty nhưng dường như vẫn còn ấp ủ nhiều dự định mới. "Với tôi, làm việc quan trọng nhất là thỏa niềm đam mê, chứ không để thành tỷ phú. Vì vậy, dù làm gì thì với tôi cũng phải vui" - bà Ngô Thị Thùy Trang bày tỏ.

* Trong ba lĩnh vực bà đang kinh doanh là xây dựng, mỹ thuật dành cho trẻ em và nhà hàng rượu vang, lĩnh vực nào bà đam mê nhất?

- Cả ba đều là đam mê của tôi. Không chỉ ba ngành này, tôi còn tham gia kinh doanh thiết bị cấp thoát nước. Đây cũng là ngành tôi tham gia từ những ngày còn trẻ. Lĩnh vực này đã "tôi luyện" tôi trở thành người phụ nữ mạnh mẽ trên thương trường. Và nó đi cùng tôi như một cái nghiệp, không thể từ bỏ. Sau này, nhờ có Global Art & Creative (GAC) - chương trình mỹ thuật dành cho trẻ em và nhà hàng rượu vang La Passion, tôi mới "mềm" trở lại.

Tôi vốn là người cầu toàn, hơn nữa trước đây cũng rất khó tính và cứng nhắc, chính điều này khiến cho nhân viên căng thẳng mà bản thân tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Về sau, khi làm về nghệ thuật và rượu vang, tôi bắt đầu tìm thấy niềm vui mỗi ngày từ công việc cũng như những gì mình đem lại cho người khác.

* Hiếm khi thấy một nhà hàng trang trí bằng những sản phẩm nghệ thuật độc đáo như của bà...

- Đó là sản phẩm của cô trò trường GAC. Từ những chai thủy tinh được vẽ bằng màu nước, đến những mô hình cảnh vật theo mùa xuân - hạ - thu - đông tôi đều thấy là những sản phẩm rất hay, và cũng muốn chia sẻ nó đến nhiều người. Bạn bè hay nói tôi kinh doanh kiểu tài tử, có lẽ do bên trong vẻ bề ngoài có phần mạnh mẽ là một tâm hồn nghệ sĩ. Quán rượu vang nhỏ mở ra cũng đúng như tên gọi - Niềm đam mê.

Link bài viết

Vì tôi muốn có một nơi nhẹ nhàng, lãng mạn dành cho những người bạn cùng "gu". Tôi thích uống rượu vang và muốn có một nơi để ngồi tán gẫu với bạn bè, đối tác. Đến khi làm rồi lại muốn đi sâu tìm hiểu, khám phá những hương vị mới của rượu vang, nghe những giai thoại về các làng rượu lâu đời, phát hiện nhiều phụ kiện khá lạ mắt và tinh tế như đồ khui, ly pha lê... nên lại càng thêm mê.

Rượu vang là thứ nước uống thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp. Đặc biệt đối với doanh nhân, những người luôn bận rộn với các mối quan hệ làm ăn, với những buổi tiệc giao lưu cùng đối tác thì vang là thức uống không thể thiếu. Cung cách thưởng thức rượu vang đúng mức sẽ khiến cho đối tác có cái nhìn thiện chí hơn đối với người chủ doanh nghiệp, đánh giá được phong cách, vị thế của người lãnh đạo, từ đó tạo cơ hội cho việc làm ăn lâu dài giữa hai bên.

Tôi luôn xem kinh doanh là một nghệ thuật chứ không chỉ có cạnh tranh. Đó là nghệ thuật làm thương hiệu, nghệ thuật đưa thông điệp, sản phẩm đến người dùng, nghệ thuật đàm phán với đối tác. Lại còn có nghệ thuật tạo hiệu ứng và phong cách. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, tinh tế và tiếp cận thông tin nhanh nhạy, nếu kinh doanh không bằng nghệ thuật và uy tín thì khó mà giữ chân khách hàng.

* Người xưa có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", bà lại ôm đồm nhiều thứ...

- Tôi "ôm" nhiều thứ, nhưng tựu trung chỉ có một nghề - là kinh doanh. Trong thời đại mới, tập trung vào một nghề không phải là hướng đi dễ thành công. Ở kỷ nguyên kết nối, ngay cả trong học tập cùng cần phải chuyển sang mô hình phối hợp chứ không ưu tiên đơn ngành nữa. Sự năng động, sáng tạo không ngừng là yếu tố giúp tôi luôn thấy mình mới mẻ.

Hơn nữa, dù làm gì, tôi cũng tập trung cho niềm đam mê. Với nhiều người, đam mê là chìa khóa của hạnh phúc, của thành công. Còn tôi đơn giản là làm vì đam mê thì tôi càng làm càng say, ít thấy mệt. Khởi nghiệp kinh doanh là không dễ dàng, có những lúc khó khăn hoặc chưa hoàn hảo, nhưng tôi không bỏ cuộc mà tìm cách đi đến đích, dù phải đi đường vòng. Vì với tôi, mọi thứ đều có thể làm được.

* Nhưng cái giá của đam mê là phải can đảm, đôi khi phải chấp nhận đi ngược với số đông?

- Đúng vậy! Để theo đuổi đam mê thì phải nỗ lực ít nhất gấp đôi. Chồng tôi từng nói rằng tôi đâu cần phải làm quá nhiều như vậy, tôi đâu thiếu tiền, làm nhiều thì đâu còn thời gian cho bản thân nữa. Tôi nghĩ, không ít lãnh đạo doanh nghiệp "nghiện" làm việc đôi khi không phải vì tiền, mà muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng, hoặc chỉ đơn thuần là niềm đam mê. Tôi thậm chí khá hào sảng, có thể cho đi tiền bạc, kiến thức, ý tưởng mà không mong người nhận trả ơn.

Link bài viết

Nếu danh lợi, địa vị, quyền lực thứ nào cũng không thể buông ra thì mãi chỉ như con trâu kéo cày, sống quá ư mệt mỏi. Nên tôi nghĩ, mình nên tận dụng những ngày sống vui khỏe để mang những điều tốt đẹp cho xã hội. Chính vì vậy, khi bắt gặp chương trình mỹ thuật sáng tạo quá hữu ích dành cho trẻ em trong một chuyến công tác tại Singapore năm 2005, tôi không thể không đưa về Việt Nam.

* Trong thời điểm nở rộ các trung tâm ngoại ngữ thì việc đưa mô hình dạy vẽ từ Singapore về nước là một quyết định mạo hiểm. Khi thực hiện, bà có nghĩ đến điều này?

- Đó là quyết định mạo hiểm. Nhưng tôi nghĩ hội họa thúc đẩy não tiếp nhận và xử lý thông tin hình ảnh nhanh hơn, giúp trẻ phát triển khả năng quan sát cũng như sự nhạy cảm đối với cuộc sống. Hội họa nói riêng và nghệ thuật sáng tạo nói chung là một trong những hoạt động trí tuệ giúp trẻ thông minh hơn vì đây là môn nghệ thuật thể hiện ra bên ngoài được những suy nghĩ và cụ thể hóa những quan sát hay trí tưởng tượng của trẻ về thế giới xung quanh. Do đó, thường xuyên vẽ sẽ kích thích khả năng quan sát, giúp trẻ nâng cao nhận thức và phát triển thị giác, thúc đẩy các kỹ năng vận động, phát huy trí tưởng tượng.

Hội họa kích thích não bộ trẻ phát triển, nâng cao khả năng diễn đạt, quan sát, tập trung và hình thành tư duy sáng tạo. Những bài học về vẽ tưởng như đơn giản như tô màu, nhận biết màu sắc và hình dạng của vật thể lại đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển tư duy của trẻ.

Màu sắc tươi vui giúp trẻ dễ học và dễ ghi nhớ hơn. Quan sát và vẽ lại theo hướng dẫn của cô giáo, người lớn giúp trẻ phối hợp hai mắt tốt hơn. Điều khiển mắt và tay giúp bé khéo léo và làm chủ được các đường nét. Đào tạo mỹ thuật có thể đóng góp vào sự phát triển quá trình quan sát - nền tảng cho quá trình học tập của con người. Những nét vẽ sẽ là phương tiện hữu ích giúp trẻ thể hiện bản thân.

Nhưng phần lớn phụ huynh chi nhiều tiền cho con học Anh văn, toán, chứ không xem nghệ thuật, sáng tạo là môn học quan trọng. Nhưng tôi nhận thấy GAC là một chương trình bài bản không chỉ truyền tải cảm hứng nghệ thuật và sáng tạo cho trẻ, mà còn tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp với thế giới, giúp trẻ tự tin, có kỹ năng tư duy trong một không gian vui học được sắp đặt chu đáo.

Vì vậy, trong 5 năm đầu, tôi liên tục bù lỗ để nuôi GAC vì không dễ thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em tham gia vào những lớp học mỹ thuật. Thế nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ chương trình này bởi biết rằng đây là một chương trình hữu ích cho trẻ em Việt Nam.

Học sinh ngày nay thậm chí không thể vẽ được bức vẽ đơn giản hoặc các đường nét. Một điều trớ trêu là hầu hết các môn học được dạy ở trường cần có minh họa, đường kẻ, nét vẽ và biểu đồ, học sinh lại không được trang bị tinh thần để đạt được những yêu cầu mỹ thuật cơ bản đó.

Link bài viết

Các bậc cha mẹ đưa con tới lớp học mỹ thuật của GAC không phải vì muốn một ngày nào đó con họ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư mà đơn giản là để trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống. Chúng tôi tích cực tạo ra môi trường mà nơi đó, các trải nghiệm trong mỹ thuật giúp phát triển trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, thúc đẩy các em kết nối với thế giới tự nhiên và nhân tạo để nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin khi giải quyết các vấn đề và tính logic trong việc phát triển ý tưởng.

* Đến nay thì GAC đã tạo nên một xu hướng giáo dục mới và ngày càng được nhiều phụ huynh ủng hộ...

- Chính những phụ huynh có con học hiệu quả ở GAC đã trở thành kênh truyền thông đáng tin cậy cho trung tâm. Có người sau khi đầu tư nhượng quyền một cơ sở kinh doanh, đã đầu tư thêm hai, ba cơ sở khác. Đến nay GAC đã có 32 trung tâm ở nhiều tỉnh thành và dự kiến là 50 trung tâm vào năm 2021. Việc mở rộng kinh doanh vẫn chỉ diễn ra với tốc độ chậm vì tôi muốn chăm sóc cho hệ thống thật tốt, đúng như các tiêu chuẩn ở nước ngoài.

* Đến thời điểm này, bà nghĩ mình đã làm đủ, muốn dừng lại hay vẫn đang ấp ủ một dự án nào đó?

- Tôi lại muốn đóng góp vào nền giáo dục Việt Nam. Tôi thấy nhiều em nhỏ học hành vất vả nhưng lại không tìm thấy niềm vui. Với tôi, dù học hay chơi thì cũng phải tìm thấy niềm vui. Vì vậy, tôi muốn thực hiện một điều gì đó để giúp trẻ có không gian học - chơi thú vị hơn.

Tuy làm nhiều nhưng tôi chơi cũng không ít. Tôi rất giàu bạn bè, đủ mọi thành phần. Dù công việc bận rộn đến mấy tôi cũng có thể sắp xếp thời gian để đi chơi nhiều ngày. Tôi mê du lịch, khám phá những vùng đất mới và muốn trải nghiệm cuộc sống ở mức tối đa. Tôi đã đi trên 30 nước, tất cả đều để lại những điều thú vị. Những chuyến đi là dịp để mở mang tầm mắt, cho tôi hiểu biết thêm về con người, văn hóa và ẩm thực của các vùng miền.

Mỗi lần đi đến một vùng đất lạ, tôi nghĩ bản thân mình không chỉ được ngắm thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn thưởng thức những đặc sản của vùng đất đó, làm giàu thêm kiến thức về văn hóa. Càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tôi càng nhận ra sự hiểu biết và tâm hồn của mình chật hẹp và tự thấy cần phải trải nghiệm và dấn thân nhiều hơn nữa.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ!

THANH NHÃ