Chiến lược đơn giản để lấy lại giấc ngủ ngon

Sống khỏe - Ngày đăng : 06:27, 07/11/2018

Chiến lược đơn giản giúp một người “trị” chứng mất ngủ dưới đây vốn là liệu pháp được đề xuất trong cuốn sách mới nhất của chuyên gia về giấc ngủ Katharina Lederle.
Chiến lược đơn giản để lấy lại giấc ngủ ngon

Nếu một người thường xuyên lâm vào trạng thái chỉ có thể nằm nhìn chăm chăm vào trần nhà thay vì chìm vào giấc ngủ khi đêm về, dưới đây là chiến lược họ có thể áp dụng để lấy lại giấc ngủ ngon, theo CNBC.

Trong cuốn sách Sleep Sense: Improve Your Sleep, Improve Your Health (tạm dịch: Cảm giác ngủ: Cải thiện giấc ngủ, cải thiện sức khỏe), tác giả - chuyên gia về giấc ngủ Katharina Lederle mô tả một chiến lược dựa trên liệu pháp Chấp nhận và cam kết (ACT: Acceptance and Commitment Therapy) - liệu pháp điều trị dựa trên những nguyên tắc chánh niệm (mindfulness), được hình thành bởi các nhà trị liệu chuyên về nhận thức và hành vi. Liệu pháp này sẽ phần nào giúp người mất ngủ nhận thức được và chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực, từ đó tạo nên những thay đổi cho cuộc sống của họ.

Link bài viết

Dù bị chi phối bởi những căng thẳng từ cuộc sống, hay chỉ đơn thuần là không thể ru mình vào giấc ngủ, một người hoàn toàn có thể áp dụng chiến lược bao gồm 2 bước được Lederle mô tả là “có thể giúp bạn bớt bị làm phiền bởi những suy nghĩ, cảm xúc của mình và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn”:

Bước 1: Nắm bắt những suy nghĩ và cảm xúc 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ. Có thể do bạn đang quá háo hức vì lần đầu được trở thành cha mẹ, quá vui mừng vì được thăng chức, hoặc cũng có thể là lo lắng về khả năng bị mất việc, hay bị mắc kẹt trong những suy nghĩ về một mối quan hệ nào đó…

Bất kể những suy nghĩ này là tích cực hay tiêu cực, đừng chối bỏ chúng. Hãy lưu ý đến chúng khi chúng lướt qua tâm trí bạn. Và khi đó, hãy nắm bắt tất cả những cảm xúc, cảm giác có liên quan mà bạn đang cảm thấy. Hãy cho phép chúng đến và đi một cách tự nhiên.

Việc này giống như bạn đang ngồi trên một chiếc ghế bành và quan sát những người đang bước vào căn phòng. Bạn không nói chuyện hoặc tương tác với họ, chỉ đơn giản là nhận biết họ và để cho họ tự nhiên”, chuyên gia giấc ngủ Katharina Lederle ví von.

Bước 2: Chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc

Hãy cho phép những suy nghĩ này nán lại một chút. Việc này có thể hơi khó chịu, nhưng hãy cố gắng thực hiện. Bản năng bên trong thường khiến bạn rối trí và tự hỏi những suy nghĩ này có tốt hay không. Bạn thậm chí còn thấy thất vọng về chính mình vì chỉ muốn nhắm mắt ngủ và không suy nghĩ gì về ngày hôm sau. Tuy nhiên, hãy từ bỏ nỗi thất vọng đó, vì nó chỉ là một cách để bạn trốn tránh nhận biết những suy nghĩ khó chịu mà thôi.

Thay vào đó, hãy chấp nhận bất kỳ cảm xúc gì bạn đang cảm thấy và bất kỳ suy nghĩ nào bạn đang nghĩ tới. Một khi đã chấp nhận, bạn sẽ tiến gần hơn đến việc chấp nhận những điều bạn không thể kiểm soát, chẳng hạn như những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hoặc những điều sẽ xảy ra trong tương lai.

Dần dần, bạn sẽ học được cách hạn chế sự chi phối từ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, và có thể chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.

“Thái độ chấp nhận thay vì khó chịu với chính mình hoặc thất vọng với hoàn cảnh sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng vào ban đêm, và để dành phần năng lượng đó cho ngày hôm sau”, Lederle cho biết.

Xết về cốt lõi, phương pháp này không chỉ đề cập đến những suy nghĩ không dứt trong đầu bạn, mà còn thay đổi phản ứng của bạn đối với chúng. “Tôi biết phương pháp này không dễ áp dụng ngay lần đầu tiên. Vì việc chấp nhận một điều chúng ta không thích là một cách tiếp cận rất lạ lẫm khi giải quyết một vấn đề nào đó. Nhưng cứ áp dụng từ từ, bạn sẽ thay đổi được thói quen cũ. Và rồi bạn sẽ bứt ra khỏi được vòng luẩn quẩn của sự mất ngủ và có được sự thư giãn cần thiết để chìm vào một giấc ngủ ngon”, Lederle khuyên.