Điều chỉnh tăng giá đất: Thận trọng để tránh tác động tiêu cực

Bất động sản - Ngày đăng : 06:40, 12/11/2018

TS-LS. Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, Cục Thuế TP.HCM đưa ra lý do người dân kê khai giá mua bán thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần làm thất thu thuế, phí để tăng giá đất là không thuyết phục.
Điều chỉnh tăng giá đất: Thận trọng để tránh tác động tiêu cực

Ảnh minh họa

Bởi lẽ, khi người dân chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ sở tính thuế, phí giá đất do Nhà nước quy định. Còn trường hợp người dân kê khai giá mua bán nhà đất theo giá thị trường (thường cao hơn mức do cơ quan thuế đưa ra) thì cơ quan thuế căn cứ vào mức giá này để tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

Link bài viết

"Như thế, việc tăng giá đất không phải là biện pháp chống thất thu mà để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM. Giá đất do Nhà nước quy định cần tăng sát với giá thị trường để việc tính thuế, phí, đền bù giải tỏa phù hợp với thực tiễn, ông Bùi Quang Tín nhận định. Thế nhưng, nếu giá đất do Nhà nước quy định ngang bằng giá thị trường thì thuế và phí sẽ tăng rất cao, làm cho nhà đất tăng giá đột biến. Tác động dây chuyền là người mua nhà để ở sẽ gặp khó khăn.

Cùng quan điểm, một cán bộ ở huyện Bình Chánh cho rằng, việc tăng giá đất ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở. Việc tăng giá đất không ảnh hưởng đến "cò", người mua đi bán lại - những đối tượng cần đánh thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc tăng giá đất trong thời điểm này là cần thiết nhưng mức độ tăng cần tính toán hợp lý. Ông Hồng cho rằng hiện tiền bồi thường thu hồi đất rất cao và có sự chênh lệch giữa giá đất do Nhà nước công bố với giá thị trường nên phải cân đối lại.

Theo ông Trần Hiền Phương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Seaholdings, với tình hình thị trường bất động sản thời gian qua thì nên điều chỉnh tăng giá đất. Tuy nhiên, hiện nay và trong thời gian tới, thị trường bất động sản đang vào giai đoạn khó khăn, đã có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, chính sách thị trường được Chính phủ đặt ra là phải phát triển bền vững, lành mạnh. Nếu điều chỉnh mức tăng chỉ 10 - 15% so với năm 2018 thì có thể chấp nhận được. Nếu tăng cao và đột ngột sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

"Hiện nay, việc áp dụng hệ số K cho năm 2019 theo hướng tăng thêm 0,4 lần so với năm 2018 sẽ đẩy giá thành bất động sản tăng theo, làm ảnh hưởng chính sách đền bù giải tỏa của Nhà nước. Giá đền bù luôn thấp hơn giá thị trường nhưng người dân lại lấy đó làm căn cứ, nghĩa là vô hình trung Nhà nước làm thay đổi cảm nhận của người dân, bởi họ nghĩ giá đất phải tăng nên đòi tăng giá đền bù. Giá bất động sản không ổn định, trong khi thuế đất đem lại nguồn thu lớn (chiếm 10% tổng thu ngân sách), nếu thị trường chững lại thì nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng. Điều này chưa chắc tốt cho TP.HCM", ông Trần Hiền Phương chia sẻ.

DUY KHÁNH