Xe hơi bay có cất cánh?
Công nghệ - Ngày đăng : 00:30, 12/11/2018
Uber đã phát triển thành công mẫu xe bay gọi là Uber Elevate. Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang hợp tác với Uber xây dựng hệ thống kiểm soát không lưu giúp hướng dẫn và giám sát xe bay, tương tự trong ngành hàng không.
Chiếc xe bay của Uber sử dụng động cơ điện, cất cánh thẳng đứng, tốc độ 250-350km/h, bay ở độ cao 300-600m, tầm bay gần 100km. Chiếc xe bay này còn được trang bị cả chế độ lái tự động.
Larry Page - Nhà đồng sáng lập Google đã phát triển mẫu xe Kitty Hawk, vừa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm. Được biệt, chiếc Kitty Hawk dễ sử dụng, thậm chí còn dễ lái hơn một chiếc xe hơi chạy trên đường thông thường.
Liên doanh giữa nhà sản xuất xe hơi Audi và tập đoàn Airbus cùng với công ty thiết kế công nghiệp Italdesign đã đưa vào thử nghiệm một dạng xe hơi bay có tên là Pop.Up. Gọi là tương tự xe hơi bay vì đây là chiếc xe hơi thông thường, nhưng khi gắn hệ thống treo, được thiết kế riêng biệt với 4 trục cánh quạt, thì chiếc xe này trở thành xe hơi bay. Đây được xem là ý tưởng hoàn toàn mới cho xe hơi bay.
Pop.Up được trình diễn tại Triển lãm xe hơi Geneva đầu năm 2018 đã gây ấn tượng khá mạnh cho khách tham dự triển lãm. Liên doanh Audi, Airbus và Italdesign đang tăng tốc phát triển mẫu xe bay thương mại này để đưa vào hoạt động năm 2020.
Vẫn còn nhiều thách thức
Trước hết, đó là thách thức về mặt kỹ thuật. Do hầu hết xe bay sử dụng năng lượng pin nên tầm bay không xa, cũng như chưa thể thay thế hoàn toàn tiêu chuẩn xe hơi gia đình. Vì vậy, mục tiêu của các hãng chủ yếu nhắm đến là thị trường taxi trước.
Thứ hai, xe hơi bay chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng, vì hiện vẫn còn mối e ngại về tính an toàn.
Dưới đây là một số mẫu xe hơi bay khác.
Terrafugia Transition
Hai chỗ ngồi, cánh có thể gấp lại để chạy trên đường phố. Do chạy bằng xăng nên ở chế độ bay, Terrafugia Transition có tầm bay trên 400km, đạt tốc độ cho phép trên đường cao tốc khi gấp cánh lại. Đây là chiếc xe do hãng Volvo phát triển và dự định giao hàng vào năm 2019.
Lilium
Là chiếc xe bay nhiều chỗ ngồi nhất hiện nay - 5 ghế. Lilium là sản phẩm của 2 công ty Tencent và Twitter. Lilium được kỳ vọng thực hiện chuyến bay có hành khách vào năm 2019 và phát triển thành taxi bay vào năm 2025.
PAL-V Liberty
Do một công ty Hà Lan phát triển, đây là xe bay ba bánh, 2 chỗ ngồi, chạy bằng điện, tầm bay hơn 400km. Ở chế độ xe hơi thông thường, PAL-V Liberty chạy trên 160km/h.
Chiếc PAL-V Liberty có khả năng được bán ra vào năm 2019 với giá khoảng 399.000 USD.
Volocopter 2X
Đây là sản phẩm được hãng xe hơi Daimler (Đức) hậu thuẫn. Volocopter 2X có 2 chỗ ngồi, cất hạ cánh thẳng đứng với 18 cánh quạt.
Thời gian bay tối đa là 27 phút, tầm bay hơn 40km. Volocopter 2X đã được cấp chứng nhận xe bay tại Đức, và đã trình diễn tại Las Vegas và Dubai. Xe được kỳ vọng trở thành taxi bay trong 2 năm tới.
Ehang 184
Cất và hạ cánh thẳng đứng, có 4 trục gắn 8 cánh quạt, xe có vận tốc bay tối đa 130km/h, tầm bay tối đa 40km. Ehang 184 do một startup Trung Quốc phát triển và đã thực hiện hơn 1.000 chuyến bay thử.