Doanh nghiệp Nhật nâng lương bán thời gian để giữ nhân công
Quốc tế - Ngày đăng : 07:01, 16/11/2018
Người lao động bán thời gian làm việc tại cửa hàng ramen ở Tokyo. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Nhiều nơi đang phải chật vật để giữ người trong khi chi phí ngày càng đắt đỏ. Theo báo cáo của Recruit Holdings đưa hôm 15/11, lương trung bình theo giờ ở những đô thị lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya đã đạt mức kỷ lục 1.047 yen (9,25 USD) hồi tháng 10, tăng 2,6% trong năm nay.
Tính đến tháng 10, lương theo giờ tại Nhật đã tăng liên tục 64 tháng liền. Mức lương này vẫn tiếp tục tăng sau khi Chính phủ Nhật tăng lương tối thiểu. Cùng tháng, lương tối thiểu ở các tỉnh cũng tăng trung bình 26 yen, mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh nhà hàng vốn phụ thuộc vào lực lượng lao động bán thời gian, lại thường có đồng lương còm cõi so với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đây lại là hai ngành kinh doanh được ghi nhận mức tăng lương đáng kể. Nhân viên bán hàng được nâng 3% lương lên 1.011 yen/giờ (8,92 USD), trong khi nhân viên của các chuỗi thức ăn nhanh hưởng mức tăng 3,7% lên 989 yen/giờ (8,73 USD).
Lương trung bình tại ba thành phố lớn nhất xứ sở hoa anh đào vốn giữ mức 1.000 yen/giờ (8,82 USD) từ hồi đầu năm.
Lương tăng được đánh giá không chỉ tác động tích cực đến nhóm lao động bán thời gian, vốn chiếm 1/5 lực lượng lao động, mà còn đến toàn xã hội. Theo NAR, diễn biến này đã góp phần nâng cao mức sống người dân và kích thích tiêu dùng.
Thế nhưng đối với giới chủ, việc tăng lương lại đồng nghĩa rằng chi phí của họ đang tăng lên. Vì vậy, nhiều hiệu bán lẻ và kinh doanh ăn uống đang lên kế hoạch nhằm đối phó với chi phí lương tăng lên.
Mã giao dịch của Yoshinoya Holdings chìm trong màu đỏ suốt sáu tháng trời trước khi quay lại vào tháng 8. Hãng này thông báo tổng thiệt hại lên đến 850 triệu yen, tức gần 7,5 triệu USD. Mặt hàng cơm thịt bò giúp hãng đạt doanh số kỷ lục, nhưng giá nhân công lại tăng cao hơn dự kiến. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công, doanh nghiệp này sẽ tăng cường đầu tư cho các địa điểm hoạt động hiệu quả nhất. Theo dự tính, Yoshinoya sẽ bắt đầu kế hoạch của mình kể từ năm tài chính 2019.
Khác với Yoshinoya, chiêu giữ người của FamilyMart lại là hỗ trợ ưu đãi đồ điện gia dụng cho nhân viên trên toàn quốc. Cùng lúc, chuỗi cửa hàng tiện lợi này đang tìm cách khiến các sàn bán hàng hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, FamilyMart còn đầu tư gấp đôi vào các địa điểm hiện có, với tổng vốn đầu tư lên đến 60 tỉ yen (529 triệu USD) kể từ tháng 2, năm tài chính 2018.
Một khảo sát của Chính phủ cho biết Nhật Bản hiện có khoảng 15 triệu lao động bán thời gian. Tốc độ tăng trưởng dân số tại quốc gia này đã chậm lại nhiều trong những năm gần đây, khi đạt đỉnh điểm vào những năm 2000. Cùng với tỷ lệ trẻ em giảm, người lao động trong độ tuổi 15-24 chỉ chiếm một phần nhỏ trong lực lượng lao động bán thời gian.