Ngành bán lẻ Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:36, 18/11/2018

Là một trong những thị trường tiềm năng nhất châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam đang thu hút các thương hiệu lớn trên thế giới.
Ngành bán lẻ Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Ảnh: X.THẢO

Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khi có đầy đủ sự góp mặt của những thương hiệu lớn trên thế giới. Nhưng chính sự tham gia của các "đại gia ngoại" đã tạo áp lực lớn cho nhà bán lẻ nội địa khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thị trường tiềm năng

Là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, từ rất sớm Việt Nam đã thu hút khá nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới. Chẳng hạn như Big C với hệ thống 35 siêu thị ở nhiều tỉnh - thành. MM Mega Market có chuỗi 19 trung tâm bán lẻ, Lotte Mart có 13 siêu thị và đại siêu thị. Thương hiệu Aeon của Nhật Bản đến sau cũng đã có 4 siêu thị và đang tiếp tục mở rộng.

Không chỉ phủ rộng ở phân khúc siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, các "đại gia" bán lẻ nước ngoài còn phát triển mạnh mô hình cửa hàng tiện lợi. Chỉ riêng ở khu vực TP.HCM, thống kê của cơ quan quản lý cho thấy, có đến 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của các thương hiệu Family Mart, Bs mart, Circle K, Ministop, Shop&Go đang dần thay thế loại hình tiệm tạp hóa truyền thống.

Link bài viết

Kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của những thương hiệu này, như Family Mart sẽ mở 1.000 cửa hàng đến năm 2020, 7-Eleven sẽ mở 1.000 cửa hàng sau 10 năm (đến năm 2027) khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng. Theo khảo sát người tiêu dùng của Savills TP.HCM, năm 2017 tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn nhiều so với mức 4% vào năm 2015.

Chia sẻ tại Hội thảo Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018 - 2020 và định hướng phát triển của Saigon Co.op trong thời gian tới do Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM tổ chức, bà Võ Thị Khánh Trang - trưởng bộ phận nghiên cứu, tư vấn Savills TP.HCM chia sẻ: "So với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ nắm bắt hành vi người tiêu dùng cũng như xác định thị trường mục tiêu".

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là khá tiềm năng để các nhà bán lẻ tăng tốc đầu tư và kinh doanh. Thị trường Việt Nam đang có nhiều thuận lợi như kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống được cải thiện, dân số tăng đều, trong đó dân số trẻ cao.

Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển. Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam bằng nhiều mô hình và đang nỗ lực phát triển chuỗi.

Áp lực ngoại nhập

Nhưng cũng chính sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài đã tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt bởi tập trung ngày càng cao số lượng cửa hàng trong một khu vực, thậm chí một khu phố, loại hình sản phẩm giới hạn, chi phí thuê mặt bằng cao. Thế mạnh của những thương hiệu ngoại là nền tảng tài chính mạnh cùng kinh nghiệm phát triển ở nhiều nước, đó là chưa kể sau thời gian có mặt, nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu thông thuộc thị trường và am hiểu người tiêu dùng Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam, hiện tại chuỗi bán lẻ nội chiếm 75% thị phần và chuỗi ngoại chiếm 27% thị phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội chỉ chiếm lĩnh mô hình siêu thị và siêu thị mini, còn với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm đến 92%. Phân khúc cửa hàng tiện lợi cũng đang thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài với 80% thị phần.

Ở góc độ của doanh nghiệp bán lẻ, ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, về siêu thị mini, Saigon Co.op chiếm thị phần gần như tuyệt đối với 98%. Với cửa hàng tiện lợi, đơn vị đang từng bước hiện diện bằng các thương hiệu như Co.op Smile, Cheer, nhưng với kênh đại siêu thị thì "đây là sân chơi của các tập đoàn nước ngoài. Saigon Co.op chưa phát triển phân khúc này vì tiềm lực tài chính chưa mạnh. Đó là một trong những rào cản của chúng tôi", ông Diệp Dũng thừa nhận.

Cũng theo ông Diệp Dũng, thị trường bán lẻ Việt Nam cạnh tranh vào loại nhất thế giới. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn bán lẻ lớn thế giới đã có mặt tại Việt Nam, và khi thâm nhập thị trường đều có sự hậu thuẫn từ các nhà cung cấp, trong đó có dịch vụ ngân hàng, tài chính, luật.

Với tầm nhìn dài hạn, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận, thậm chí là chịu lỗ trong thời gian đầu để cùng nhà bán lẻ giành lấy thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ nên thường "phải đi một mình".

Áp lực là vậy nhưng theo ông Nguyễn Huy Hoàng, riêng nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thị phần của các nhà bán lẻ nội (tính đến quý III/2018) chiếm đến 73%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ 27%. Xét ở 4 thị trường chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn kinh doanh nhiều (gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần các nhà bán lẻ ngoại chỉ tăng khoảng 32% trong khi chuỗi bán lẻ nội đạt 68%.

Hiện chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm 84%. Như vậy, kênh bán hàng của doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm đến 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam chia sẻ thêm về lợi thế của doanh nghiệp Việt: Nhà bán lẻ phương Tây không hiểu người tiêu dùng bằng doanh nghiệp Việt Nam nhưng nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc thì lại rất hiểu người Việt và họ mang những cái mới đến để thu hút người tiêu dùng nội địa. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần tận dụng ưu thế hiểu người dân bản địa và đáp ứng sở thích mua sắm thay đổi rất nhanh của khách hàng. Muốn vậy, cần phải gần khách hàng, lắng nghe và dự báo được nhu cầu tiếp theo của khách hàng.