Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gỡ "điểm nghẽn"

Bất động sản - Ngày đăng : 07:00, 19/11/2018

Tại buổi gặp lãnh đạo TP.HCM vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã nêu ra những bất cập và cho biết nếu những "điểm nghẽn" không được tháo gỡ kịp thời thì lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn, môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng...
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gỡ

Khu căn hộ Gateway sắp hoàn thiện

Vướng đất ở

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở, việc chuyển mục đích sử dụng sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất thủ tục công nhận chủ đầu tư, được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án.

Tuy nhiên, cũng tại Luật Nhà ở lại yêu cầu một trong những điều kiện để được công nhận chủ đầu tư là phải có "đất ở" hợp pháp. Đây là quy định "bó chân" các doanh nghiệp, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án, gây mâu thuẫn với chính nó.

"Nếu có đất ở hợp pháp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư thì quá vô lý. Nếu như vậy, làm sao phát triển, đầu tư xây dựng những khu đô thị mới, bởi đó toàn là những khu đất nông nghiệp hoặc đất khác chứ hoàn toàn không có đất ở", ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hưng Thịnh Corp cho biết thêm.

Link bài viết

Đại diện Công ty Lê Thành đề nghị UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Cục Thuế Thành phố thực hiện các thủ tục miễn tiền sử dụng đất, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài đối với diện tích đất ở 12.103m2 của chương trình nhà ở xã hội cho thuê - khu dân cư Lê Thành tại phường An Lạc, quận Bình Tân do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư căn cứ theo luật định và quyết định liên quan trước đó của UBND TP.HCM.

Công ty CP Bất động sản Sơn Kim phản ảnh về vấn đề vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả các công trình có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.

Cụ thể, tại Công ty Bất động sản Kim Sơn liên quan tới khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ Gate Way tại phường Thảo Điền (quận 2) diện tích xây dựng khối đế (phần nổi) là 5.742,8m2, diện tích xây dựng tầng hầm (phần ngầm) là 9.089m2, khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm 9.089m2. Nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế 5.742m2, còn lại 3.346m2 diện tích tầng hầm lại không được tính.

Cam kết tháo gỡ

Thông cảm với những khó khăn của doanh nghiệp trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư do những vướng mắc trong quy định "đất ở" hợp pháp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, trước đây, căn cứ vào quy định tại Điều 169 và Điều 191 Luật Đất đai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quỹ đất sạch của dự án, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, quy trình, thủ tục mới về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư đã có quỹ đất sạch để triển khai dự án đã bị ách tắc cho đến nay do những khó khăn trong thực hiện.

Trong khi đó, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn (bao gồm cả vốn vay, vốn huy động) để giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư.  Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung nhà ở, sụt giảm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền, sụt giảm giao dịch bất động sản. Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể các trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất. Trong đó có đất ở xen với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để xây dựng nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư, với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị, khu dân cư của địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, Thành phố đã sớm nhận thấy vướng mắc này. Do đó, tháng 4/2016, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Tháng 5/2016, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận đề xuất của TP.HCM. Tuy nhiên, bộ này lại đề nghị "Thành phố phải có văn bản báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”.

Tháng 11/2016, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về vướng mắc của TP.HCM và kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện theo quan điểm của Thành phố. Khoảng một năm sau (tháng 10/2017), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ liên quan "nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định đầu tư đối với dự án công trình xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt, đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện", văn bản nêu. Tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan chức năng khi giải quyết hồ sơ rất ngại vì các chỉ đạo nói trên đều dưới luật.

Lắng nghe các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, những gì trong thẩm quyền của Thành phố thì sẽ chỉ đạo giải quyết ngay. Những nội dung ngoài thẩm quyền thì TP.HCM sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, phản ánh với Quốc hội để sớm sửa những điểm bất hợp lý như doanh nghiệp phản ánh.

DUY KHÁNH