Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ: Giải bài toán “trốn tìm”

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 21/11/2018

Trong khi có hàng loạt kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được cất vào tủ, thì các doanh nghiệp đang đau đáu đi tìm những công trình nghiên cứu có thể biến thành sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng. Cuộc trốn tìm này đã tồn tại nhiều năm nay.
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ: Giải bài toán “trốn tìm”

Nâng cao chất lượng lúa Việt. Ảnh: Nguyễn Công Thủy

Giải bài toán “trốn tìm” trên là trách nhiệm của không chỉ các trường đại học và viện nghiên cứu, không chỉ của doanh nghiệp, và không riêng của cơ quan chức năng, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học. Đó cũng là "công thức" phát triển mang tính quốc tế.

Trên thực tế, ở Việt Nam, việc chuyển đổi những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành những sản phẩm có thể thương mại hóa còn rất gian nan. Thậm chí, theo ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch Công ty CP Dược mỹ phẩm CIV, quá trình này được ví như việc vượt qua một “thung lũng tử thần”. Ông Hiệu khái quát hóa thách thức của quá trình này gọi là ba lỗ hổng: (1) Lỗ hổng khám phá công nghệ; (2) Lỗ hổng thương mại hóa; và (3) Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Việc khắc phục những lỗ hổng trên đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ thương mại hóa công nghệ với các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học truyền thống.

Tại diễn đàn "Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp" do Học Viện khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức hôm 16/11, ông Hiệu - từ thực tiễn hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của CVI - đã chia sẻ kinh nghiệm về việc khắc phục những lỗ hổng trên trong mục tiêu biến nguồn lực tri thức thành nguồn lực kinh tế thực sự.  

Ba lỗ hổng trong tiếp cận thị trường KH-CN

Một công nghệ do trường đại học/viện nghiên cứu phát triển cần khắc phục ba lỗ hổng sau mới có thể tiếp cận được thị trường thương mại.

Lỗ hổng khám phá công nghệ cản trở việc đánh giá tính khả thi thương mại của những khám phá khoa học tiên tiến. Để khắc phục được lỗ hổng này, các trường đại học/viện nghiên cứu cần chuyển đổi các khái niệm và thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ thông thường, chứng minh khái niệm và phát triển các nguyên mẫu sẵn sàng tung ra thị trường cũng như nghiên cứu các bằng sáng chế có liên quan. Việc thúc đẩy các nhà khoa học tiết lộ và thương mại hoá những khám phá của họ cũng là một thách thức đối với nhiều trường đại học/viện nghiên cứu do một loạt các yếu tố nghề nghiệp, tổ chức và văn hóa.

Lỗ hổng thương mại hóa nằm giữa một cơ hội kinh doanh khả thi và một doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Để khắc phục được lỗ hổng này, các trường đại học/viện nghiên cứu cần phát triển một cơ chế để tạo ra giá trị, xây dựng một mô hình kinh doanh có thể nắm bắt được một phần giá trị đó và xác định thị trường mục tiêu. Các công nghệ được trường đại học/viện nghiên cứu phát triển ở giai đoạn đầu ít khi có sẵn các yếu tố trên, tạo ra một lỗ hổng thương mại hóa giữa các nhà sáng chế và doanh nhân khởi nghiệp.

Cuối cùng, việc khởi động một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại một trường đại học/viện nghiên cứu tạo ra một loạt các thách thức liên quan đến việc thành lập và tài trợ của doanh nghiệp. Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chỉ có thể được khắc phục khi quyền sở hữu công nghệ được bảo hộ, một đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm cam kết khởi nghiệp và nguồn tài trợ hạt giống được bảo đảm. Nếu không có tất cả ba yếu tố trên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể cảm kết tài trợ cho sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Kinh nghiệm từ CVI

CVI là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm. Với định hướng chiến lược áp dụng KH-CN để nâng cao giá trị các sản phẩm dược liệu thế mạnh, truyền thống của Việt Nam nhằm phát triển các dòng sản phẩm dược phẩm có giá trị cao.

Link bài viết

Từ công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất dược phẩm được chuyển giao từ Viện Hóa học - Viện Hàn Lâm KH-CN Việt Nam, CVI đã tạo ra được những dòng sản phẩm đột phá về hiệu quả sử dụng chứa nano curcumin từ cây nghệ vàng của Việt Nam, mang đến niềm hy vọng cho các bệnh nhân ung thư và người đang bị đau dạ dày.

Tiếp nối thành công đó, CVI không chỉ tìm kiếm sự hợp tác chuyển giao từ các đề tài nghiên cứu khoa học có sẵn mà còn chủ động đặt hàng nghiên cứu với các nhà khoa học nhằm giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật từ thực tiễn.

Ngoài ra, CVI cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, tận dụng một phần ngân sách hỗ trợ của tỉnh để cùng các nhà khoa học từ ba trung tâm nghiên cứu lớn thực hiện một nhóm các đề tài nghiên cứu khoa học tổng thể về cây dược liệu Ba Kích nhằm đưa ra thị trường một dòng sản phẩm được nghiên cứu khoa học bài bản từ cây ba kích tím.

Sự thành công và định hướng phát triển của CVI ngày hôm nay gắn liền với sự thành công của mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và các đơn vị nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn triển khai việc hợp tác, ông Hiệu cho biết, không phải doanh nghiệp nào cũng có được cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học và hình thành nên được một sự hợp tác hai bên cùng phát triển như CVI. Từ góc nhìn của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hiệu cho rằng đang tồn tại một số rào cản, khó khăn và mấu chốt nằm ở việc hợp tác giữa nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp.

Ông Hiệu gọi đó là thị trường khoa học. Theo ông, muốn có thị trường thì phải có luật chơi, phải có các quy định về trách nhiệm của người mua (doanh nghiệp) và người bán (các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học) và cơ quan điều tiết thị trường (cơ quan quản lý bằng các cơ chế).

Theo ông, cơ chế phải được luật hóa thành những quy định rõ ràng, đặc biệt là trong những vấn đề cốt tử như: minh bạch thông tin (về các kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học bao gồm: khả năng ứng dụng, mức độ hoàn thành, chi phí để hoàn thiện thành sản phẩm hoàn chỉnh, khả năng phát triển và cải tiến, năng lực của các nhà khoa học hoặc các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất kỹ thuật có thể tham gia hợp tác...); cơ chế định giá các kết quả nghiên cứu (sản phẩm) khi chuyển giao; cơ chế hợp tác chuyển giao; vấn đề sở hữu trí tuệ; vấn đề truyền thông, quảng bá các sản phẩm KH-CN...