Ỳ ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vì sao?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:27, 21/11/2018
Số doanh nghiệp cổ phần hóa tốt như Vinamilk quá ít. Ảnh: X.Thảo |
Từ năm 2011 - 2016, cả nước đã cổ phần hóa 570 doanh nghiệp, tổng giá trị thực tế của các doanh nghiệp là 797.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 214.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2017 - 2020, cả nước phải cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2017 là 44 doanh nghiệp, năm 2018 là 64 doanh nghiệp, năm 2019 là 18 doanh nghiệp và năm 2020 là một doanh nghiệp.
Đã có những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa tốt, giúp tăng doanh thu và lợi nhuận, mang lại xu hướng mới, động lực mới để phát triển như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines... Trong đó, Vinamilk đạt được những con số đáng ghi nhận như doanh thu 51.041 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.200 tỷ đồng và giá trị thương hiệu đạt 2,2 tỷ USD. Vốn hóa của Vinamilk đạt hơn 10 tỷ USD, tăng gấp 100 lần so với thời điểm niêm yết năm 2006.
Các sản phẩm của công ty này hiện đã có mặt tại 43 nước và vùng lãnh thổ. Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt khoảng 2 tỷ USD (khoảng 45.520 tỷ đồng). Hiện công ty sữa lớn nhất Việt Nam này đang nắm giữ 50% thị trường sữa nội địa với khoảng 15 tỷ sản phẩm được đưa ra thị trường mỗi năm.
Thế nhưng, trên thực tế, số doanh nghiệp hoàn thành việc cổ phần hóa và phát triển tốt như vậy quá ít. Cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 66 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ và 35 doanh nghiệp độc lập. Tuy nhiên, có đến 18/35 không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra.
Điển hình, các doanh nghiệp như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Công ty TNHH MTV Bột mì Vinafood, Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên, Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai bán được rất ít cổ phần. Tương tự, năm 2017, trong 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu và có đến 7/48 doanh nghiệp này không hoàn thành kế hoạch.
Những doanh nghiệp không thực hiện được kế hoạch gồm Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3), Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình...
Trong 10 tháng đầu năm 2018, tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại càng trì trệ khi mới chỉ có 10% số doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Quá chậm so với kế hoạch đề ra.
Vì sao việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lại ỳ ạch như vậy? Về cơ chế, chính sách cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã được ban hành.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định của nghị định này để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành 7 nghị định phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, cũng chính vì có nhiều văn bản quy định về vấn đề này nên xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các quy định. Điều này khiến cho việc vận dụng vào thực tế khá khó khăn.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại doanh nghiệp làm giảm sức hấp dẫn của cổ phần nhà nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa hầu hết đều có quy mô lớn, quá trình xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai mất rất nhiều thời gian. Kết quả cổ phần hóa một số doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bán vốn đều được giá trị cao hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia.
Bên cạnh đó, do số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hóa tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn thực hiện cổ phần hóa nên công tác kiểm toán vẫn còn chậm.
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp vẫn chưa đạt được. Hiện vẫn còn tư tưởng né trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa quyết liệt, mạnh mẽ khi thực hiện quy trình mới chặt chẽ, công khai, minh bạch, rõ ràng hơn.
Đó là chưa kể tâm lý sợ mất vị trí, mất vai trò sau cổ phần hóa và tư tưởng yên vị vẫn còn đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Chia sẻ tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước diễn ra tuần trước, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng cổ phần hóa vẫn tiếp tục chậm kế hoạch là do lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có tâm lý sợ trách nhiệm.