Vai trò của doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 07:22, 22/11/2018
Trong khi DN khởi nghiệp là nhân tố thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong DN lớn, giúp khép kín chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Hiểu đúng để xây đúng
Theo ông Tony Wheeler - sáng lập Imaginex, hệ sinh thái khởi nghiệp cần được hiểu đúng để xây đúng. Một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm.
Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Global Startup Ecosystem Report 2018) cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp phải đi qua nhiều giai đoạn, mà Việt Nam đang ở giai đoạn sớm nhất của quy trình này. Có rất nhiều hoạt động ở hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhưng điều quan trọng là phải xây dựng nền tảng chất lượng trước khi mở rộng và toàn cầu hóa.
Với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp", Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 (HEF 2018) sẽ diễn ra ở Trung tâm hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận ngày 23/11. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp phối hợp với Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 14/11, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Phó ban Thường trực tổ chức HEF 2018 cho biết, dự kiến diễn đàn có khoảng 600 đại biểu tham dự để trao đổi và chia sẻ về xu hướng phát triển đô thị sáng tạo. Bà Phạm Trần Thanh Thảo - Trợ lý giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - Phó trưởng Ban tổ chức HEF 2018, cho biết HEF 2018 quy tụ hơn 100 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu từ Nhật, Hoa Kỳ, Phần Lan, Israel, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…, 5 tổ chức tài chính quốc tế và đại diện của 20 hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam.
Song song hội thảo là triển lãm với hơn 70 gian hàng của DN trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, giải pháp cho đô thị sáng tạo, cùng nhóm sản phẩm tiêu biểu của DN TP.HCM.
HEF 2018 với sự đồng hành của các nhà tài trợ: Vingroup, Viettel, TTC Land và PNJ.
Ông Tony Wheeler cho rằng, cần kết hợp cả việc tự xây lẫn nhập khẩu kỹ năng, kinh nghiệm của các quốc gia khác để xây dựng năng lực khởi nghiệp của người Việt. Các nhân tố như động lực và đam mê của những người sáng lập và doanh nhân phải được kết nối với thị trường phù hợp, với những người có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, và được hỗ trợ tài chính từ các tập đoàn lớn và chính phủ. Bên cạnh đó, kết nối toàn cầu cũng quan trọng.
"Để giúp hệ sinh thái khởi nghiệp thành công và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, những DN lớn phải "ngồi cùng một con thuyền" và đưa ra những gói hỗ trợ về tài chính, là đối tác hoặc trở thành khách hàng của các startup chứ không phải là người cạnh tranh" - ông Tony Wheeler phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm ở Úc, theo ông Tony Wheeler, chính phủ đóng vai trò quan trọng, tập trung vào việc ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư, thay đổi luật phá sản để việc thất bại không trở thành vấn đề của khởi nghiệp và tạo ra những chương trình kết nối toàn cầu, tạo điều kiện nhập khẩu năng lực kinh doanh để phát triển đất nước, thay đổi chính sách huy động vốn cộng đồng, hỗ trợ các vườn ươm và những chương trình tăng tốc thông qua hỗ trợ vốn và chương trình khoa học và đổi mới quốc gia.
Việc xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự cộng tác của rất nhiều nhóm thành tố bình thường vẫn cạnh tranh với nhau. Nhưng cuối cùng, tất cả đều cần phải chung tay để hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ vốn, kỹ năng cùng những chính sách phù hợp để khuyến khích người dám mạo hiểm và làm những gì tốt nhất để giúp họ thành công.
Theo ông Phạm Bảo Long - quản lý chương trình của VIISA, bắt đầu năm 2017 - 2018 là thời điểm tăng tốc cho các nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Chính phủ đã đưa ra lộ trình chi tiết cho việc kết hợp và điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm được xác định rõ ràng bởi các cơ quan quản lý, các quỹ đầu tư đã gọi thêm vốn thành công cũng như việc các quỹ mới thành lập gần đây, như 500 startup Việt Nam, VIISA, VinaCapital Ventures...
Thị trường khởi nghiệp càng hứa hẹn khi VinGroup thành lập VinTech - nhánh công nghệ mới, mở hai viện nghiên cứu phát triển dữ liệu lớn (big data) và các ứng dụng công nghệ cao.
"Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã qua 15 năm phát triển, với nguồn đầu tư rất nhỏ giờ có nhiều đơn vị hiện diện trên thị trường tích cực đầu tư và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp. Mặc dù có những thách thức nhưng tương lai đầy triển vọng cho đầu tư mạo hiểm của Việt Nam bùng nổ” - ông Phạm Bảo Long nói.
Gắn kết vào chuỗi giá trị
Theo ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu, làn sóng khởi nghiệp từ 2014 đến nay phát triển mạnh mẽ, một số sản phẩm của các startup đưa ra thị trường tạo được dấu ấn và gọi vốn thành công. Thời cơ khởi nghiệp hiện rất thuận lợi và tất yếu với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam khi nền kinh tế đang chuyển dịch sang mô hình kỹ thuật cao, đòi hỏi năng suất cao và tính sáng tạo cao hơn.
Nhiều chương trình ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo ra những kết quả ban đầu nhưng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, các thành phần chưa có sự gắn kết để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự hỗ trợ và nuôi dưỡng sự phát triển cho các DN khởi nghiệp.
Từ đó dẫn tới số lượng DN khởi nghiệp có chất lượng chưa nhiều, trình độ cộng đồng khởi nghiệp còn chưa tốt, hàng hóa sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường mà phần nhiều vẫn thuộc vào ý chí chủ quan của nhóm khởi nghiệp.
Một trong những thành phần rất quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp là các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, có vẻ như vào thời điểm này, khoảng cách giữa các DN lớn và DN khởi nghiệp vẫn còn lớn, vai trò của các DN lớn cũng như của các hội nghề nghiệp trong hỗ trợ và phát triển cộng đồng khởi nghiệp chưa đủ mạnh. Cần vai trò của DN lớn trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các DN khởi nghiệp, trong khi DN khởi nghiệp là nhân tố thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong những DN lớn.
Có thể thấy những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thất bại của DN khởi nghiệp chủ yếu do thiếu kinh nghiệm do đa phần đội ngũ khởi nghiệp là giới trẻ. Sự non nớt trong kinh doanh cần sự hỗ trợ và kết hợp với các thành phần khác của hệ sinh thái, trong đó DN lớn là thành phần vô cùng quan trọng.
Các doanh nghiệp lớn có thể là nhà đầu tư, cố vấn, khách hàng, chia sẻ kinh nghiệm thương trường và cách quản lý nguồn vốn tránh các bẫy tài chính thường gặp. DN lớn còn trở thành nhà đầu tư bền vững, là khách hàng đưa sản phẩm khởi nghiệp vào trong chuỗi giải pháp cung cấp ra thị trường. Về tổng thể, có thể nói DN lớn là chỗ dựa cho các DN khởi nghiệp tận dụng và phát triển.
Ông Tuấn đề xuất đẩy mạnh vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó quan trọng nhất là vai trò cầu nối giữa hai lớp doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền. Các hội nghề nghiệp cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn và đưa ra những giải pháp cụ thể hơn để chính quyền có những giải pháp phù hợp giúp cho việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp.
DN lớn ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ cộng đồng khởi nghiệp, mở cơ hội cho sản phẩm ra thị trường; tìm kiếm, lựa chọn đầu tư vào DN khởi nghiệp tiềm năng phù hợp với định hướng phát triển của công ty.