Bạch Mã trên đỉnh Trường Sơn

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 24/11/2018

Giữa những con đường mòn luồn qua rừng để đến các thắng cảnh, ai cũng cảm thấy phiêu diêu bởi dàn nhạc rừng từ hàng chục loại chim líu lo cùng lúc...
Bạch Mã trên đỉnh Trường Sơn

Thác Đỗ quyên

Một trong năm lời nhắn gửi của Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã đến du khách là "Bạn không nên mong đợi ở Bạch Mã những khách sạn sang trọng, nhà hàng, quán karaoke và quà lưu niệm, những thức ăn có nguồn gốc từ động vật rừng. Chúng tôi rất biết ơn nếu bạn thực hiện theo những bảng chỉ dẫn trong quá trình tham quan...".

Chỉ bấy nhiêu thôi đủ giúp chúng tôi hiểu mình đang bước vào một khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt mang tên Vườn Quốc gia Bạch Mã. Cuối thu, nhưng những ngày không có mưa khí hậu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn khá oi bức, thế nhưng khi từ chân Bạch Mã lên cao khoảng 800 mét so với mực nước biển, khí hậu chuyển sang một vùng khác, khô và se lạnh.

Điểm cuối con đường độc đạo lên núi dẫn đến Vọng Hải Đài ở độ cao 1.450 mét - nơi du khách tha hồ nhìn ngắm Huế và Đà Nẵng xa xa, nhưng tuyệt vời nhất là cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy trùng trùng mây và núi, nhìn thấy hồ Truồi xinh đẹp, huyền ảo và cảnh như tiên ở Trúc Lâm Thiền Viện Bạch Mã.

Theo người dân địa phương, Bạch Mã được khám phá từ năm 1932 bởi một kỹ sư người Pháp có tên M.Girard, đến năm 1945 trở thành thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng với 139 biệt thự.Thị trấn nghỉ mát Bạch Mã (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng từng giống như Bà Nà (TP. Đà Nẵng) in đậm lối sống hưởng thụ thiên nhiên của người Pháp, với những khu vực có phong cảnh tươi đẹp, quanh năm mát mẽ với khoảng 15 đến 20OC.

Rải rác giữa rừng, thị trấn xưa vẫn còn dấu tích những ngôi nhà mang đậm phong cách kiến trúc Đông Dương thuộc địa - nơi nghỉ ngơi của gia đình các quan chức người Pháp và một số người Việt giàu có thập niên 1940. Chính những lúc ngắm những ngôi nhà đổ nát hoang tàn sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên trong rừng, nhớ lời nhắn gửi của Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã càng hiểu nguyên tắc sống với rừng, với thiên nhiên đã được người Pháp đặt nền móng từ hơn 70 năm trước cho những khu nghỉ mát như Bạch Mã, Bà Nà, Tam Đảo, Sapa: sống hòa thuận với thiên nhiên.

Những biệt thự xây khá khiêm tốn về diện tích, sử dụng nguyên liệu bản địa, giới hạn số người đến nghỉ dưỡng hằng năm để không ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động vật và thảm thực vật trong môi trường nguyên sinh. Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsii) chính quyền sở tại đã đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia Bạch Mã.

Năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được thành lập với diện tích 50.000ha. Năm 1991, Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập với tổng diện tích 22.031ha, trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã được mở rộng với tổng diện tích 37.487ha và là khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng được bảo vệ tốt nhất ở Việt Nam. Vườn Quốc gia Bạch Mã có tới 16.900ha rừng nguyên sinh che phủ.

Từ độ cao 800 mét ở Bạch Mã

Từ độ cao 800 mét ở Bạch Mã

Trong rừng có 1.406 loài thực vật, trong đó có nhiều loại gỗ quý như trò chỉ, kiền kiền, giẻ hương, gõ, tùng... (nhiều cây đường kính 80 - 100cm). Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài,trong đó có nhiều loài quý hiếm như gấu, báo, hổ, sao la, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Đặc biệt, Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao và gà lôi lam mào trắng.

Bạch Mã còn rất nhiều thứ để khám phá, như Vọng Hải Đài, quần thể năm hồ nhỏ nước trong xanh, mát lạnh, những ngọn thác Đỗ Quyên, Hoàng Yến, Trĩ Sao, Ngũ Hồ như nét chấm phá cho bức tranh xanh mướt mát của cảnh rừng. Trong đó, nổi tiếng hơn cả là thác Đỗ Quyên cao 300m, được xem là thác cao nhất ở các nước Đông Nam Á, như cố níu trời xuống gần hơn với đất bởi những con rồng nước mềm mại như lượn giữa rừng xanh.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách tiếp cận được Bạch Mã mỗi năm khoảng 16.000 lượt với thời gian đón khách từ tháng 4 đến tháng 8, do thời tiết khắc nghiệt. Con "ngựa trắng" trên đỉnh Trường Sơn này vẫn chưa thật sự thức tỉnh, chưa có đóng góp gì nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Đồng bào của bốn dân tộc ít người sống trong khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã chưa có sinh kế nào để cải thiện đời sống lên mức tốt, nên vì cuộc sống hằng ngày, họ là một trong những tác nhân gây hại cho rừng.Ai đó trong một tốp du khách bỗng so sánh: Bà Nà trước năm 1990 cũng bị lãng quên, nhưng mấy năm nay đã đón trên 2 triệu lượt khách đến quanh năm. Rồi tốp du khách ấy bắt đầu bàn luận sôi nổi đề tài có nên làm cáp treo ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Một biệt thự còn sót lại ở Bạch Mã

Một biệt thự còn sót lại ở Bạch Mã

Làm du lịch sinh thái ở Bạch Mã là một xu hướng được nhiều chuyên gia ủng hộ. Ngày 13/10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lấy ý kiến về“Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã” có diện tích khoảng 387ha. Khu du lịch sẽ có đủ các chức năng từ nghỉ dưỡng đến dịch vụ thương mại, và quan trọng nhất là hệ thống cáp treo đưa khách lên đỉnh Bạch Mã cao 1.450 mét.

Theo đó, khu A (dự kiến đặt ở khu vực khe Su gần 65ha) sẽ là nơi đón tiếp du khách và đặt nhà ga cáp treo, khu B là nơi triển khai khu du lịch sinh thái nằm ở đỉnh Bạch Mã, rộng 300ha. Nối khu A và B là hệ thống cáp treo dài trên 4.000m do hãng POMA (Pháp) thiết kế.

Góp ý cho đề án, phần lớn các đại biểu ủng hộ xây dựng Bạch Mã trở thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng xứng tầm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị chủ đề án lưu ý đến vấn đề "sức chứa", nếu vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Giữa con số 16.000 lượt khách hiện nay và "tương lai xán lạn" ngày mai với 2 triệu lượt khách như Bà Nà, chắc chắn khó ai cất tiếng nói phản đối việc xây dựng khu du lịch sinh thái để khai thác tiềm năng du lịch trên đỉnh Bạch Mã. Vấn đề là làm sao để giữ được những tiêu chí bảo tồn thiên nhiên trong Vườn Quốc gia khi Bạch Mã được quy hoạch là một trong bảy trọng điểm phát triển du lịch sinh thái tại miền Trung.

Và cũng qua những định hướng phát triển này, nhìn thấy một khu nghỉ mát Bạch Mã mang dáng dấp giống Bà Nà, liệu có phải là một mô hình tương đồng và cạnh tranh lẫn nhau? Việc phát triển kinh tế với những công trình lớn như Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã chắc chắn là một sự hy sinh không nhiều thì ít về môi trường, chỉ là có tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn xa, coi sự bảo tồn thiên nhiên là nền tảng để phát triển hay không.

Những nhắn nhủ của Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã hôm nay "Bạn không nên mong đợi ở Bạch Mã những khách sạn sang trọng, nhà hàng, quán karaoke và quà lưu niệm..." sẽ trở thành quá khứ trong một tương lai gần, nhưng "những thức ăn có nguồn gốc từ động vật rừng" thì phải là không bao giờ!

Mong sao Bạch Mã vẫn giữ được những tiêu chí khoa học và văn minh trong đối xử với thiên nhiên và có sự kềm chế chừng mực khi cho phép đặt sản phẩm du lịch do con người tạo ra lên rừng nguyên sinh.

BÍCH HỒNG