Không tự tin sao lấy được niềm tin
Du lịch - Ngày đăng : 03:00, 24/11/2018
Một nghệ nhân dành gần tám tháng để may một chiếc túi bằng da thuộc cao cấp. Anh tỉ mẩn xem xét từng vệt nhạt hay đậm của miếng da quý dưới ánh sáng, xếp từng hạt đá quý vào đúng vị trí. Đôi khi anh mất cả buổi sáng chỉ để gọt giũa hay tỉ mỉ mài đi một centimet da nhưng vẫn chưa hài lòng và hôm sau lại tiếp tục mài. Trông anh giống nghệ sĩ hơn là nghệ nhân khi nhuộm màu cho miếng da mà lúng túng đi tới đi lui trong xưởng, cuối cùng mở một bản hòa tấu của Richard Clayderman.
Những nốt nhạc ngân vang đã giúp anh pha chế những gam màu tinh tế cho tấm da đẹp. Với những người quen biết, anh còn cho xem một bộ hồ sơ gốc của các nguyên liệu quý đã làm nên chiếc túi xách này. Chúng tôi nghĩ đây là sản phẩm "để đời" hoặc tạm gọi là hướng đến phân khúc hàng cao cấp của anh. Sau khi hoàn thành sản phẩm đặc biệt này, anh chụp một số ảnh và đưa lên diễn đàn nghề nghiệp để chia sẻ niềm vui với bạn bè.
"Chúc mừng anh đã làm ra một sản phẩm đẳng cấp", chúng tôi chờ những câu chúc như vậy dành cho chiếc túi xách đẹp. Nhưng không, những câu hỏi đầu tiên là về giá của sản phẩm và sau khi nghe anh định giá chiếc túi xách quý 10 ngàn đô la, lập tức xuất hiện những lời bình phẩm, chế giễu của đồng nghiệp như "chát quá”, "không tưởng", "mơ mộng hão"...
Tuyệt nhiên không thấy ai hỏi về giá trị của chiếc túi mà anh căn cứ vào đó đưa ra cái giá khá "bất ngờ" so với giá của những chiếc túi xách thủ công do người Việt làm. Không ai quan tâm anh muốn đạt mục tiêu gì khi quyết tâm sản xuất một sản phẩm cao cấp như vậy.
Bỗng nhiên tự hỏi tại sao chúng ta cứ tự định giá thấp cho sản phẩm của mình? Người Việt không dám mơ sản xuất ra những sản phẩm thủ công cao cấp một cách độc lập, hay không dám có cái nhìn lạc quan về thị trường? Không ít phụ nữ Việt ra nước ngoài mua sắm những chiếc túi có giá từ 7 - 10 ngàn đô la và hơn thế. Họ cũng tham quan quy trình sản xuất, tỏ ra rất tự hào khi kể chiếc túi xách cao cấp do một nghệ nhân của hãng đồ da danh tiếng châu Âu làm, được nghe nói về xuất xứ và giá trị của nguyên vật liệu.
Tận mắt nhìn những món đồ đó, ta hiểu giá trị của chúng bao gồm nhiều yếu tố như giá trị thương hiệu, những giá trị tiềm ẩn về quy trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nguyên vật liệu từ thiên nhiên, ít hóa chất độc hại, và trên hết là mức thu nhập cao của người lao động châu Âu.
Thế nhưng khi một người Việt sản xuất theo quy trình văn minh đó, thì ngay cả đồng nghiệp cũng sẽ không chấp nhận. Chúng tôi nói đùa: "Tại nhân công người nước ngoài ăn pho mát ngồi làm túi xách nên túi của họ bán giá cao. Chúng ta ăn rau muống nên giá trị lao động thấp". Không dám mơ ước, không dám đầu tư, không giúp được nhau phát triển, đã vậy ngay đến một lời ủng hộ, động viên và thái độ tin tưởng cũng không có.
Nếu chúng ta không chấp nhận được người Việt dám định giá cho chiếc túi xách làm thủ công 10 ngàn đô la, thì bao giờ chúng ta mới có hàng loạt sản phẩm cao cấp và hơn thế nữa là một đội ngũ dám vươn tới, dám đầu tư cho một sản phẩm có tầm, giống như thái độ của chúng ta trước những sản phẩm như điện thoại thông minh, ô tô, cà phê của người Việt Nam đầu tư?
Tôi nhớ một doanh nhân Việt kiều tâm sự khi chứng kiến Vinfast ra mắt sản phẩm ô tô tại thủ đô Paris của nước Pháp mới đây: "Tôi ước ao mọi người Việt Nam luôn sống và làm việc với tinh thần hăng hái và tự tin khi khởi nghiệp. Có như vậy thì chẳng những ô tô mà chúng ta còn có thể làm ra những thứ có giá trị cao hơn nữa".