Album nhạc đang "chiến đấu" vì sự sống còn?
Đời thường - Ngày đăng : 06:26, 25/11/2018
Ca sĩ Drake biểu diễn trên sân khấu ở Washington (Mỹ) |
Thói quen nghe nhạc đã thay đổi
Doanh số của album vật lý - định dạng từng được yêu thích nhất qua nhiều thập niên, đang tuột dốc không phanh tại Mỹ trong năm nay. Theo số liệu của RIAA (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ), tổng doanh số album nhạc tại Mỹ trong nửa đầu năm 2018 (bao gồm tải về, CD và đĩa than) đã giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng doanh thu album dạng đĩa đã giảm gần một nửa (41,5%), chỉ còn 246 triệu USD và Best Buy đã ngừng bán CD tại các cửa hàng từ ngày 1/7.
Theo đánh giá của Billboard dựa vào báo cáo của Nielsen, có 88,2 triệu đĩa bán ra trong năm ngoái, giảm 20% so với năm 2016. Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm này sẽ không thay đổi cho đến hết năm và doanh số bán album tại Mỹ năm 2018 sẽ chỉ bằng một nửa năm 2015.
Không khó để biết lý do tại sao. Năm 2018, doanh số album vật lý sụt giảm nhanh chóng là bởi những nghệ sĩ như Drake, Eminem, Cardi B, Travis Scott, Migos và Kanye West đều ra mắt album mới độc quyền trên các dịch vụ trực tuyến trong tuần đầu tiên.
Theo đó, định dạng album vật lý chỉ được tung ra sau khi sự "bùng nổ" doanh số ban đầu của chúng đã kết thúc. Nghĩa là các nghệ sĩ hip hop nổi tiếng nhất đang dần quay lưng lại với CD (và những cửa hàng bán lẻ), thay vào đó tập trung vào những dịch vụ trực tuyến như Spotify và Apple Music.
Trở lại năm 2014, Daniel Ek - đồng sáng lập Spotify, đã có một cuộc chiến đáng xấu hổ với Taylor Swift, khiến cô quyết định rút toàn bộ bài hát của mình khỏi dịch vụ này. Đối mặt với những cáo buộc Spotify đã "giết chết" album vật lý, Daniel viết: "Ngày xưa, nhiều nghệ sĩ có thể bán được hàng triệu album mỗi năm. Điều đó hiện không xảy ra nữa, vì thói quen nghe nhạc của mọi người đã thay đổi và họ sẽ không trở lại như trước".
Như chúng ta đều biết, ngành kinh doanh âm nhạc thế giới đã bắt tay với Daniel và được dẫn đầu bởi phát trực tuyến.
Dù những bài "hit" trên các dịch vụ phát trực tuyến đã giúp rất nhiều người kiếm rất nhiều tiền, nhưng vào thời điểm ngày tàn của album vật lý đang cận kề, liệu mối quan hệ giữa người hâm mộ và những nghệ sĩ có lỏng lẻo hơn? Câu trả lời dựa vào cách người hâm mộ tiêu thụ nhạc trên Spotify, Apple Music...
Một điều chắc chắn là không có sự "bình đẳng" giữa tất cả các bài hát. Ví dụ như Scorpion - album thống trị thị trường nhạc trực tuyến năm nay của Drake. Với mục tiêu thu về càng nhiều lượt nghe càng tốt, Scorpion có tới 25 bài hát. Dựa theo những số liệu thu được từ Kworb - trang giám sát Spotify, khoảng 63% lượt nghe toàn cầu của Scorpion trên Spotify đến từ 3 bài hát: Gods Plan, In My Feelings và Nice for What. Trên thực tế, chỉ 6 bài hát trong album (thêm Nonstop, Dont Matter to Me và I'm Upset) chiếm tới 82% tổng lượt nghe, 19 bài còn lại chỉ chiếm 18%, tức chưa tới 1% mỗi bài.
Một poster quảng bá National Album Day |
Chuyện tương tự cũng xảy ra với album thống trị nửa đầu năm 2018 là Beerbongs & Bentleys của Post Malone, chỉ có 3 bài chiếm đến 62% lượt nghe toàn cầu trên Spotify.
Bạn có thể tranh cãi người hâm mộ CD trước kia cũng chỉ nghe đi nghe lại những bài hát yêu thích nhất. Hay trực tuyến là một phát minh tuyệt vời cho album - bất kỳ người hâm mộ nào trên thế giới giờ đây đều có thể tiêu thụ album hợp pháp "miễn phí" thông qua Spotify, thay vì chi một khoản tiền có thể vượt ngoài khả năng cho đĩa nhạc.
Bảng xếp hạng âm nhạc Billboard 200 kể từ tháng 12/2014 đã gộp lượt nghe của từng bài hát trong một album thành "những album tương đương trực tuyến".
Công thức gần đây được Billboard đưa ra là 1.250 lượt nghe trực tuyến có trả tiền từ các dịch vụ như Apple Music hoặc Spotify Premium sẽ được xem là một album vật lý "được bán ra", tương tự là 3.750 lượt nghe từ những dịch vụ có quảng cáo như YouTube hay gói miễn phí của Spotify.
Ngành công nghiệp âm nhạc đối mặt với khủng hoảng
Điều này đã dẫn đến tình huống trớ trêu, như Scorpion của Drake đã bán được 160.000 album thật (thông qua các trang tải về) trong tuần đầu tiên, nhưng dựa theo Billboard hoặc Nielsen thì "những album tương đương trực tuyến" đạt con số gấp 3 lần (551.000).
Vào tuần thứ hai Scorpion có mặt trên Billboard 200 thì album chỉ bán được 29.000 bản trên iTunes..., nhưng gần 10 lần con số này được tổng hợp từ các lượt nghe của riêng từng bài hát.
Điều này cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc đang đối mặt với khủng hoảng, và năm 2018 "các album tương đương trực tuyến" có vẻ như là cái phao cứu sinh. Kiểu như các bản fax tương đương với email, hay Betamax (băng video) tương đương với Netflix.
Lucas Keller - người sáng lập Milk & Honey (quản lý các nhạc sĩ và nhà sản xuất nhạc pop nổi tiếng) ở Los Angeles, vừa nói với Music Business Worldwide rằng, có khá nhiều khách hàng của ông kiếm được tiền từ những bài hát không phải là "hit".
Thực tế này đang làm ngành công nghiệp âm nhạc thức tỉnh. Ngày 13/10 vừa qua, thông qua BPI (Hiệp hội Thương mại của ngành công nghiệp âm nhạc Anh) và AIM (Hiệp hội Âm nhạc độc lập), các doanh nghiệp âm nhạc và các nhà bán lẻ âm nhạc của Anh đã cùng tổ chức chiến dịch National Album Day nhằm thu hút công chúng và gia tăng doanh số bán album nhạc vật lý.
Tuy nhiên, mặc dù rất nỗ lực nhưng doanh số bán album của Anh vẫn giảm nhẹ ngay trong tuần lễ diễn ra National Album Day. Bản thân album vật lý không có lỗi. Daniel Ek 4 năm trước đã dự đoán công chúng rõ ràng đang ngày càng thoải mái với thói quen tiêu thụ âm nhạc trực tuyến tính theo lượng nghe và theo dõi. Ngành công nghiệp âm nhạc thế giới cũng đang bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu thói quen này có duy trì lâu dài không?