"Làng nghề thế hệ mới" thu hút nhà đầu tư
Start up - Ngày đăng : 08:28, 27/11/2018
Khởi nghiệp một cách bài bản dựa trên việc đổi mới sản phẩm thủ công, nhiều người trẻ đã có sản phẩm xuất khẩu thành công vào hàng chục thị trường quốc tế, đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Xây dựng quy trình mới, chuẩn mực mới cho sản phẩm quen
Với kế hoạch đổi mới cách thức sản xuất bánh tráng Củ Chi, cho đến nay Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (gọi tắt là Công ty Duy Anh, Củ Chi, TP. HCM) đã có được hàng chục tỷ đồng vốn vay từ các ngân hàng thương mại và các hợp tác xã để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất các loại bánh tráng xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty Duy Anh cho biết, thay vì sản xuất theo cách thức thủ công, công ty đầu tư quy trình sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra những loại bánh có nhiều màu sắc tự nhiên. Mặt khác, doanh nghiệp cũng ngưng tráng bánh bằng tay và phơi bánh ngoài trời bởi với cách làm này, bánh tráng Việt Nam khó có thể vào được các siêu thị nước ngoài vì không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, độ ẩm…
Cách đây không lâu, trong lĩnh vực khởi nghiệp dành cho giới trẻ, dự án xây dựng thương hiệu nước mắm Lê Gia dành riêng cho trẻ em dựa trên nguyên liệu và công thức chế biến nước mắm truyền thống của vợ chồng kỹ sư Lê Anh – Hải Vân (Thanh Hóa) đã cùng một lúc nhận được đề nghị cho vay 4 - 6 tỷ đồng của 3 nhà đầu tư lớn là Quỹ đầu tư CyberAgent, Quỹ VinaCapital và Tập đoàn Sunhouse.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật tiên tiến trong đầu tư nhà xưởng, Lê Gia đã gây được ấn tượng cho các quỹ đầu tư bằng sự minh bạch thông tin và sự chăm chút hình ảnh thương hiệu của mình thể hiện từ nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm cho đến bộ nhận diện thương hiệu. Hằng tháng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ở Thanh Hóa đều đến công ty lấy mẫu đi xét nghiệm để duy trì chứng nhận sản phẩm an toàn cho các sản phẩm của Lê Gia.
Công nhân làm việc tại Công ty Duy Anh |
Cũng trong năm 2018, một nhóm bạn trẻ tại Đồng Nai đã gọi vốn thành công hàng tỷ đồng với dự án De-form Pottery – một studio trải nghiệm văn hóa làm gốm và sản xuất gốm Biên Hòa. Trong khi đó, tại Bến Tre, Tiền Giang và Cần Thơ, hàng loạt các dự án khôi phục làng nghề sản xuất sản phẩm từ dừa và lục bình lọt vào Top 10 những dự án khởi nghiệp và được Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế AMD rót gần 30 tỷ đồng để phát triển dự án.
Ngoài ra, những dự án tương tự như dự án Fiber (chuẩn hóa và đổi mới sản phẩm từ cói) đang thực hiện tại làng chiếu Nga Sơn (Thanh Hóa) hoặc dự án sản phẩm guốc gỗ chạm khắc hình rồng F4F đang được thực hiện bởi tổ chức Fashion 4 Freedom tại Huế và TP.HCM… được đánh giá sẽ là những mô hình hấp dẫn các nhà đầu tư lớn vì chỉ sau vài năm thực hiện, các dự án này đã có sản phẩm xuất khẩu thành công vào hàng chục thị trường quốc tế và có lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chị Hà Thúy Diễm - chủ một sạp hàng thủ công mỹ nghệ lớn ở chợ Bến Thành cho biết những năm gần đây, có đến gần 90% sản phẩm bán ra của sạp hàng đến từ các làng nghề truyền thống trên cả nước. Tùy theo nhu cầu thị trường và du khách mà các chủ sạp đặt hàng tận các làng nghề, hợp tác xã hay doanh nghiệp địa phương. Cụ thể, hiện nay du khách Nhật Bản, Hàn Quốc rất thích nhóm sản phẩm túi xách, giày dép, mũ được sản xuất từ mây, tre, lục bình. Một số mặt hàng làm từ sừng trâu ở miền Bắc hay nón lá Huế thì chủ sạp chỉ cần đặt hàng trực tuyến là làng nghề sẽ gửi sản phẩm vào tận nơi.
Ngân hàng cũng dần mở rộng cửa
Bên cạnh quỹ đầu tư, hiện nay các dự án phát triển sản phẩm của làng nghề truyền thống cũng được nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính quan tâm hơn trước. Tại Thủ Đức (TP.HCM), do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh cộng với thời tiết diễn biến bất thường khiến làng nghề trồng mai phường Hiệp Bình Chánh đang liên tục bị thu hẹp. Tuy nhiên, những nghệ nhân như anh Nguyễn Thanh Hà (vườn kiểng Hà Ba Trận) vẫn tìm thấy lối ra nếu thực sự quyết tâm giữ nghề: “Tôi đã vay ngân hàng được 5 tỷ đồng để phát triển vườn mai hơn 5.000m2 và hiện tại doanh thu hằng năm đạt khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Quan trọng là tôi vẫn giữ được nghề truyền thống của gia đình từ mấy đời nay”.
Theo giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Thủ Đức, việc đầu tư vào các dự án khôi phục làng nghề truyền thống thực tế vẫn được các ngân hàng thương mại thực hiện thông qua việc kết hợp các chương trình tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống nếu muốn tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay tín dụng thì cần phải có những mô hình đổi mới sản phẩm khả thi. Còn nếu vẫn áp dụng những phương thức sản xuất và kinh doanh cũ thì các ngân hàng cũng khó có thể mở rộng hạn mức tín dụng mà chỉ dám cho vay thăm dò một số mô hình thí điểm.
Ở góc độ quỹ đầu tư, bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM cho biết, theo kế hoạch phát triển của Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP.HCM (HSIF), đến năm 2020, nguồn vốn của quỹ này dự kiến sẽ đạt 100 tỷ đồng. Và chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngân hàng thương mại tham gia bỏ vốn vào quỹ để đầu tư trực tiếp vào các dự án khởi nghiệp (bao gồm các dự án khởi nghiệp dựa trên sản phẩm của làng nghề truyền thống). Vì thế việc tiếp cận vốn đối với các dự án khởi nghiệp khả thi sẽ lớn hơn nữa.
Trong khi đó, bà Đặng Tố Loan – Phó tổng giám đốc ngân hàng SHB cho rằng, khi có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng thương mại vào các quỹ đầu tư mạo hiểm thì các dự án khởi nghiệp sáng tạo nói chung và các dự án đổi mới sản phẩm làng nghề nói riêng sẽ có nhiều cơ hội nhận vốn, xây dựng thương hiệu và tìm chỗ đứng trên thị trường. Mặt khác, bản thân các ngân hàng thương mại cũng sẽ có cơ hội thu lợi nhuận cao nhờ việc phát triển thành công các mô hình khởi nghiệp bằng hình thức đầu tư trực tiếp bên cạnh hình thức cho vay tín dụng thông thường.
(Theo DoanhnhanPlus)