Tăng trưởng tiền lương toàn cầu thấp nhất trong 10 năm qua
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 01/12/2018
Trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương toàn cầu giảm xuống còn 1,8% trong năm 2017, từ mức 2,4% trong năm 2016, các nước đang phát triển vẫn được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng tiền lương cao hơn so với các nước phát triển. Tuy nhiên, tiền lương ở các nước đang phát triển vẫn còn quá thấp.
Kết quả được ILO công bố dựa trên dữ liệu từ 136 quốc gia. Trong 20 năm qua, mức lương thực tế trung bình đã tăng gần 3 lần ở các nước đang phát triển và mới nổi thuộc nhóm G20, trong khi các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9%.
Tổng Giám đốc ILO - Guy Ryder cho biết, mặc dù tăng trưởng toàn cầu đã được phục hồi nhưng mức tăng trưởng tiền lương ở các nước phát triển ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Link bài viết
Ông nhấn mạnh: “Thật khó hiểu là trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi tăng trưởng GDP và thất nghiệp giảm thì tốc độ tăng trưởng tiền lượng lại chậm. Tiền lương vẫn tăng chậm hơn rất nhiều so với năng suất...".
Lần đầu tiên, báo cáo của ILO cũng đề cập đến khoảng cách trả lương theo giới trên phạm vi toàn cầu, với việc sử dụng dữ liệu từ 70 nước và khoảng 80% nhân viên trên phạm vi toàn thế giới. Báo cáo phát hiện ra rằng nam giới vẫn tiếp tục được trả lương cao hơn nữ giới khoảng 20%.
Theo ông Ryder, điều này đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau và đây cũng là mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đã đồng thuận nhằm đạt được vào năm 2030, như là một phần của Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Cũng trong bản báo cáo tiền lương toàn cầu của cơ quan Liên Hiệp Quốc, phụ nữ trên toàn thế giới tiếp tục phải chịu cảnh tiền lương thấp hơn khoảng 20% so với đồng nghiệp khác giới. Về vấn đề này, chuyên gia về tiền lương của ILO Rosalia Vazquez-Alvarez thông tin: “Ở một số quốc gia, bất chấp việc phụ nữ có học vấn cao hơn nam giới, khoản thù lao họ kiếm được vẫn thấp hơn, ngay cả khi cả hai cùng làm chung loại hình công việc.
Nhìn chung, cách tính toán và chi trả tiền lương dựa trên giới tính vẫn là một hiện tượng không rõ nguyên nhân”. Do đó, chính phủ các nước cần tiến hành xem xét giải quyết càng nhanh càng tốt, đưa thế giới quay lại trục đường chính tiến đến tăng trưởng kinh tế bền vững.
(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)