Nhức nhối hàng giả

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:26, 02/12/2018

Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại ngày càng tinh vi và khó phát hiện, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nhức nhối hàng giả

Giả xuyên biên giới

Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc diễn ra rất phức tạp. Trên thị trường có đủ các mặt hàng bị làm giả, từ thời trang, hóa mỹ phẩm, vật dụng gia đình cho đến dược phẩm, thực phẩm chức năng.

6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường Khu vực phía Nam đã phát hiện và xử lý hơn 9.000 vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái. Riêng tại TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 2.260 vụ vi phạm, chủ yếu là buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, và đã xử phạt 2.211 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 64 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 41 tỷ đồng. Đặc biệt, tình trạng này còn diễn ra trên kênh thương mại điện tử.

Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến chống hàng giả 2018 do Quỹ Chống hàng giả kết hợp với Công ty CP Truyền thông tiếp thị thương hiệu Sài Gòn Biz tổ chức tại TP.HCM ngày 23/11, ông Hà Trung Can - đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, việc bán hàng giả ngày càng trở nên phổ biến trên internet và các sàn thương mại điện tử.

Nhiều thương nhân lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa đảo, gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng hàng hóa, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những mặt hàng được rao bán công khai, tràn lan trên mạng là rượu, chất nổ, thuốc lá, thuốc chữa bệnh...

Quỹ Chống hàng giả đã ký kết với Tổng công ty CP Global Malls phòng, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu. Theo đó, Quỹ Chống hàng giả sẽ đồng hành cùng Global Malls xây dựng, phát triển thương hiệu và phòng, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của Global Malls, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập và phát triển.
Việc hợp tác sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi bên để kêu gọi người tiêu dùng, lực lượng thực thi pháp luật hỗ trợ, bảo vệ thương hiệu đồng thời lan tỏa, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh, tăng trưởng bền vững.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện nay hàng giả, hàng nhái không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam bằng nhiều đường, kể cả chính ngạch. Trong đó, chủ yếu nhập lậu qua biên giới, nhiều nhất ở phía Bắc, đường hàng không, đường biển.

Dù số lượng hàng giả mạo bán trên các sàn thương mại điện tử rất lớn nhưng vì hàng giả loại này thường được người bán trộn vào hàng nhập khẩu có đầy đủ chứng từ theo quy định, vì vậy quản lý thị trường rất khó phát hiện.

Hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.

Cần chung tay

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện có 8 loại hàng giả tồn tại trên thị trường, trong đó hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ chiếm khá nhiều.

Có một thực tế đáng buồn là người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ nên vẫn chấp nhận mua, trong khi đó doanh nghiệp vì lo ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu nên còn ngại làm đơn đề nghị xử lý.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến - Phó cục trưởng Cục C03 (Bộ Công an) cho rằng, việc xử lý hàng giả, hàng nhái vẫn chưa triệt để vì người tiêu dùng có tâm lý thích hàng ngoại, trong khi hàng ngoại giá đắt nên chọn hàng nhái, hàng giả để thay thế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ, chủ động phát hiện, tố cáo đến các cơ quan chức năng khi sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm đã khiến hàng giả, hàng nhái có đất tồn tại.

Trước tình trạng ấy, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc, tuy nhiên kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng giả, hàng lậu vẫn chưa đạt yêu cầu, gây bức xúc, lo ngại cho người dân và ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, các chuyên gia khuyên doanh nghiệp nên "xác lập quyền tự bảo vệ" thông qua đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa. Với chứng nhận sở hữu trí tuệ, khi bị vi phạm, doanh nghiệp có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có thể khởi kiện ra tòa hoặc trọng tài để bảo vệ mình. Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần chung tay với cơ quan chức năng đấu tranh với hàng gian, hàng giả. Chủ nhãn hiệu cần ý thức nhiều hơn về sở hữu trí tuệ, đó là tài sản của mình nên phải bảo vệ, gìn giữ, đừng xem đó là việc của cơ quan chức năng.

MINH HÀO