Phía sau sự phục hồi của chứng khoán Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 06:32, 05/12/2018
Sự đồng pha
Tháng 10 và hơn nửa đầu tháng 11 chứng kiến nhiều đợt bán tháo, tuần cuối tháng 11 bất ngờ lực mua quay trở lại một cách vượt trội với chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.252 điểm, tương đương 5,2%. Chỉ số S&P 500 tăng hơn 127 điểm, tương đương 4,9%, chỉ số Nasdaq tăng hơn 391 điểm, tương đương 5,6%.
Sự đi lên mạnh mẽ ấy đã giúp S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2011, trong khi chỉ số blue chip Dow Jones đánh dấu tuần diễn biến tích cực nhất kể từ tháng 11/2016. Sự phục hồi mạnh này giúp cả 3 chỉ số khép lại tháng 11 trong sắc xanh, và so với đầu năm, Dow Jones tăng 3,3%, S&P 500 tăng 3,2%, Nasdaq là 6,2%.
Có nhiều yếu tố tích cực đã hỗ trợ cho thị trường trong tuần qua. Đầu tiên là kỳ vọng về một kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bền lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina, theo đó 2 bên sẽ đàm phán về vấn đề thương mại.
Yếu tố thứ hai là sự đảo chiều trong tâm lý nhà đầu tư về chính sách tiền tệ của FED từ sợ hãi sang lạc quan, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng mức lãi suất hiện nay của Mỹ đã ở dưới vùng trung lập đặt ra của cơ quan này. Bài phát biểu mới nhất của ông Powell được các nhà đầu tư cho rằng có khuynh hướng "bồ câu" hơn so với lập trường cứng rắn trước đây, khi mà đầu tháng 10, ông này tuyên bố lãi suất Mỹ hiện vẫn còn cách khá xa mức trung lập.
Diễn biến mới này đồng nghĩa với việc FED có thể không cần phải tăng lãi suất quá nhanh như lo ngại trước đó, do đó các thị trường tài sản sẽ có thêm thời gian để điều chỉnh. Dù một lần tăng lãi suất nữa vào tháng 12 năm nay là khó tránh khỏi, nhưng giới quan sát kỳ vọng kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2019 có thể thay đổi, dựa trên diễn biến thực tế của nền kinh tế và những ảnh hưởng từ các rủi ro thương mại.
Những vấn đề chính trị tại châu Âu hạ nhiệt và có hướng ra càng giúp củng cố tâm lý của nhà đầu tư. Sau thời gian tranh cãi, lộ trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) theo đề xuất của Thủ tướng Theresa May đã được các quan chức EU chấp thuận, và giờ chỉ cần đợi Quốc hội Anh thông qua.
Tại Italia, lãnh đạo nước này đã chịu nhượng bộ và điều chỉnh kế hoạch thâm hụt ngân sách năm 2019 để làm hài lòng EU, nhằm giúp bản kế hoạch này sớm được phê chuẩn sau một giai đoạn bế tắc, đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng nổi lên tại Italia có thể lan sang phần còn lại của châu Âu và vượt Đại Tây Dương sang bên kía bán cầu.
Liệu có bền vững?
Với các thông tin "đồng pha" tích cực hỗ trợ như trên, việc các thị trường chứng khoán tăng mạnh là dễ hiểu. Và nếu xu thế này tiếp tục duy trì trong tháng 12, chứng khoán Mỹ có khả năng sẽ khép lại năm 2018 với điểm số tiếp tục đi lên, đánh dấu năm thứ 10 tăng liên tiếp và là chuỗi tăng điểm dài thứ hai trong lịch sử, thay vì phải ghi nhận sự đảo chiều giảm điểm như những lo ngại sau các đợt điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, nên tiếp tục là ẩn số tác động mạnh đến các thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, những rủi ro vẫn chưa phải hoàn toàn biến mất. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dù gần đây có hạ nhiệt, nhưng diễn biến vẫn luôn khó lường, khi mà ông Trump cho thấy là một nhà lãnh đạo thích gây bất ngờ và phá vỡ mọi khuôn phép ngoại giao. Sự căng thẳng giữa 2 cường quốc này không chỉ là ở vấn đề thâm hụt thương mại, mà còn liên quan đến an ninh, đánh cắp công nghệ hay vị thế chính trị.
Trung Quốc đang nổi lên là cường quốc thứ hai thách thức Mỹ, do đó Mỹ buộc phải tìm cách kìm lại vai trò và vị thế của quốc gia này. Vì thế, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, nên là ẩn số tác động mạnh đến các thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng trong giai đoạn tới.
Về chính sách tiền tệ của FED vốn đã gây áp lực lên thị trường trong suốt 3 năm trở lại đây, sự tác động trong thời gian còn lại có thể hạn chế hơn, do nhà đầu tư phần nào đã chấp nhận tình huống xấu nhất trong thời gian qua, đó là FED có thể còn 5 lần tăng lãi suất nữa, theo đó điều này đã phần nào phản ánh vào giá chứng khoán.
Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất như lộ trình thì cũng không có gì bất ngờ, ngược lại nếu tăng chậm hơn với số lần ít hơn thì sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán. Dù vậy, đánh giá về bài phát biểu mới đây của ông Powell, giới phân tích cho rằng nhiều nhà đầu tư đã diễn giải quá lạc quan về quan điểm "bồ câu" của ông này. Và không ít người cho rằng ông Powell chỉ đang cố tỏ ra nhượng bộ trước những chỉ trích mạnh mẽ mới đây của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, tình hình địa - chính trị một lần nữa lại bùng lên và có thể ảnh hưởng xấu đến chứng khoán trong thời gian tới, lần này là mối quan hệ bất ổn giữa Nga và Ukraina, khởi nguồn từ vụ Nga bắt giữ tàu của Ukraina vào ngày 25/11. Dù yếu tố này chưa tác động nhiều đến các thị trường trong những ngày qua, nhưng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang thì khó biết trước được điều gì lại xảy ra đối với các thị trường tài chính.