Gameshow kiến thức vượt khó

Đời thường - Ngày đăng : 06:28, 07/12/2018

Mặc dù bị các gameshow (trò chơi truyền hình, bao gồm cả truyền hình thực tế) giải trí thi tài năng, hài hước "lấn lướt", song gameshow kiến thức vừa chơi vừa học vẫn giữ được vị thế nhất định và đang có những thay đổi, sáng tạo để thu hút lượng khán giả riêng.
Gameshow kiến thức vượt khó

Tồn tại nhờ nhu cầu đa dạng của khán giả

Trước khi gameshow giải trí thi tài năng ca hát, hài hước "nở rộ" trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, trên sóng các đài truyền hình lớn đã có những gameshow kiến thức như Ai là triệu phú, Đối mặt, Rung chuông vàng, Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hóa, Đấu trường 100, Đường lên đỉnh Olympia... ghi dấu ấn với nhiều thế hệ khán giả.

Do gặp những khó khăn khách quan trong việc cạnh tranh rating khán giả, tài trợ, quảng cáo nên Rung chuông vàng, Chiếc nón kỳ diệu, Đấu trường 100... đã phải ngừng phát sóng sau 5 - 10 năm tồn tại. Đại diện nhà sản xuất của Đấu trường 100 khi ấy cho biết: "gameshow ca nhạc, hài dễ xin tài trợ hơn vì dễ lồng ghép sản phẩm, nhãn hàng. Còn gameshow kiến thức vừa không dễ lồng quảng cáo, lại ít nhận được sự quan tâm từ truyền thông nên độ thu hút tài trợ cũng thấp hơn".

Link bài viết

Tuy nhiên, thực tế có thể thấy nhu cầu của khán giả rất đa dạng. Nhiều người thích xem gameshow giải trí, nhưng cũng có không ít người thích xem gameshow dạng cung cấp những kiến thức tổng quát. Bởi vậy gameshow kiến thức vẫn tồn tại như một loại hình không thể thiếu trong dòng chảy của trò chơi truyền hình nói chung.

Có thể kể đến một loạt gameshow kiến thức đã và đang phát sóng gần đây như Nhanh như chớp, 100 triệu một phút, Trí lực sánh đôi, Sàn đấu thời gian, Người đứng vững, Chinh phục, Đùa như thật, Bộ ba siêu đẳng, Siêu sao đoán chữ, Vì bạn xứng đáng... Theo số liệu đo lường của Vietnam-Tam vào giữa năm nay, tại Hà Nội, gameshow kiến thức xếp thứ 2 trong bảng các gameshow ăn khách với chỉ số rating trung bình 0,47%, chỉ xếp sau gameshow âm nhạc (0,63%).

Các chương trình như Ai là triệu phú (rating 3,37%), Một trăm triệu một phút (1,36%), Vì bạn xứng đáng (1,19%) nằm trong top 20 gameshow ăn khách nhất. Còn tại TP.HCM, gameshow kiến thức có chỉ số rating 0,22%, xếp thứ 6 sau các gameshow hài kịch, ca nhạc, biểu diễn tài năng.

Chính nhờ có sự cải thiện về rating mà nhiều nhà tài trợ lớn đã quay lại với gameshow kiến thức.

Kết hợp giải trí và học hỏi để thu hút khán giả

So với gameshow thuần túy giải trí, việc sản xuất gameshow kiến thức có nhiều khó khăn. Bởi tuy kiến thức mênh mông, nhưng mỗi gameshow kéo dài trong 3 tháng (12 tuần, 45 phút/tập/tuần) ngốn một lượng rất lớn câu hỏi. Vấn đề ngân hàng câu hỏi của gameshow kiến thức vẫn luôn khiến các nhà sản xuất đau đầu. Câu hỏi cần phải đa dạng, luôn được cập nhật, không bị trùng lặp, phải có đáp án sát và đúng nhất. Ai là triệu phú hay Siêu sao đoán chữ từng bị khán giả phản ứng bởi đưa ra câu hỏi dễ gây hiểu lầm.

Một điều nữa là gameshow với tính chất của trò chơi truyền hình lại không được quá nặng về giáo dục mà chỉ mang tính cung cấp kiến thức. Làm sao tránh được sự giáo điều, khô khan và khi giải quyết tốt cả hai yêu cầu giải trí lẫn học hỏi thì gameshow kiến thức mới có thể thu hút khán giả lâu dài.

Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh để tồn tại, nhiều gameshow kiến thức đã chọn kết hợp giữa 2 yếu tố giải trí và học hỏi. Thực tế đã chứng minh những gameshow kết hợp giữa kiến thức và giải trí có sự tham gia của người chơi thuộc giới nghệ sĩ dễ thu hút khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ. Như mỗi tập của gameshow Nhanh như chớp trên kênh YouTube chính thức thu hút trung bình 4 - 5 triệu lượt xem, thậm chí có tập gần 10 triệu lượt xem.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất gameshow kiến thức cũng tìm cách làm mới định dạng hoặc tìm mua bản quyền gameshow hoàn toàn mới lạ để khán giả khỏi thấy nhàm chán. Như trong năm nay, khán giả đã được xem Vietnam IQ - một gameshow áp dụng phương thức tương tác trên mạng truyền hình trực tuyến, cung cấp cho khán giả những kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, khoa học của Việt Nam và thế giới cùng với các thông tin về giải trí, nghệ thuật và thể thao...

Mới nhất là gameshow 5 vòng vàng kỳ ảo vừa lên sóng "giờ vàng" tối thứ bảy trên kênh VTV3 từ đầu tháng 12 này. Đây là gameshow được Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá là sản phẩm mang đến sự đột phá trong bối cảnh chúng ta đang nói nhiều đến cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0", lĩnh vực văn hóa - giải trí cũng không đứng ngoài xu hướng ấy.

Kết hợp giữa kiến thức, giải trí, vận động thông qua việc trả lời các câu hỏi, 5 vòng vàng kỳ ảo còn là gameshow đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất chương trình truyền hình tại Việt Nam. Cụ thể là sử dụng công nghệ tương tác thông minh giữa những chiếc vòng và hệ thống phần mềm điều khiển, kết nối thông qua một thiết bị camera cảm biến thông minh để nhận diện hình ảnh, tọa độ của chiếc vòng và so sánh vị trí đúng của câu trả lời, cho ra kết quả đúng hoặc sai của vị trí chiếc vòng.

Mua bản quyền từ Hà Lan, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á sản xuất gameshow 5 vòng vàng kỳ ảo. Mặc dù quá trình sản xuất gameshow này ở Việt Nam không đơn giản, nhưng nhờ được giới công nghệ trong nước tự thiết kế và sản xuất phần mềm, phần cứng nên chi phí rẻ hơn 2,5 lần so với nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.

Nhìn chung, trong bối cảnh gameshow đã có lúc bước vào thời kỳ bão hòa như hiện nay vì không tìm được hướng đi mới, cuốn hút khán giả, sự ra đời của những gameshow kiến thức mới mang tính đột phá là hoàn toàn cần thiết. Theo "bật mí" của một số nhà sản xuất gameshow, trong năm 2019 sẽ có một loạt gameshow mới kết hợp giữa giải trí và học hỏi được trình làng. 

XUÂN HƯƠNG