Tháng chạp tới gần...

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 08/12/2018

Câu "tháng chạp tới gần, năm sắp hết" làm tôi bỗng thấy nhớ vô cùng những hình ảnh của thành phố nơi tôi sinh sống mà nay dân số đã trên 1 triệu người, trong đó đến một phần ba là dân ngụ cư.
Tháng chạp tới gần...

Tháng chạp chỉ là tháng họ nhận lương tháng mười ba, rồi vội vội vàng vàng mua sắm và quan trọng nhất là lên kế hoạch về quê sao cho suôn sẻ trong tình hình giao thông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

Khi những cơn mưa lê thê ở miền Trung bắt đầu ngớt, xuất hiện nắng hanh cuối đông thì tôi chạy xe vào Hội An tìm Tết. Lúc này Hội An như trở mình thức giấc, những bức tường rêu xanh mượt cuối đông bắt đầu ngả vàng dưới nắng. Ngay đầu chợ Hội An, bà cụ bán trầm hương vẫn ngồi đó với điếu thuốc rê trên tay, lâu lâu bà lại đốt thanh trầm, khói tỏa quấn vào bước chân khách bộ hành.

Khói trầm nghi ngút như báo hiệu mùa xuân đang đến rất gần. Tháng chạp thơm nồng mùi mứt quất đang được sên ngay trên bếp than đặt ở vỉa hè. Quất dẻo sên lâu sẽ chuyển sang màu vàng trong veo, đến độ keo nhất định thì nhắc xuống khỏi bếp, trải ra phơi cho ráo hẳn. Với mứt quất khô thì sên đến khi đường khô hẳn, chuyển thành những hạt màu trắng li ti bám quanh trái quất thì mới nhắc xuống.

Link bài viết

Bọn con nít lúc đó mới ồ lên vui sướng, lấy cái muỗng, múc ít đường dẻo ngồi mút, rồi dí đuổi nhau cười vang phố. Ngày thường cũng tìm được món mứt quất Hội An bán trong chợ, nhưng đến tháng chạp thì nhà nhà sên mứt, thứ mứt được làm từ quất trồng trong vườn chứ không phải quất kiểng nên không sợ bị phun phân, thuốc bảo vệ thực vật. Những chuyến đi về phố Hội tháng chạp tất nhiên không thể thiếu món mứt quất ngậm ho chống cảm cúm cuối đông.

Hội An còn nhiều tín hiệu "tháng chạp tới gần..." khác. Lúc này các bà, các chị phơi đu đủ, củ cải, cà rốt, hành, kiệu trắng chợ. Mặc dù siêu thị cũng bày bán đầy nguyên liệu làm dưa món, nhưng không thể bán cho dân Hội An vì dù họ bận rộn kinh doanh tối ngày nhưng món ăn thì thể hiện rõ sự bảo thủ.

Dưa món người Hội An làm để ăn trong nhà nhất định phải là đu đủ, hành, kiệu trồng ở vườn rau làng Trà Quế thơm nức, nước mắm là nước mắm cá cơm Nam Ô chính gốc nấu với đường phèn Quảng Ngãi. Thế nên mới có cảnh phơi dưa món trắng chợ, làm để bán, để ăn.

Viết đến đây mới nhớ mấy chú bé ngồi ngoài đường chờ khách mang lư đồng đến thuê đánh bóng, kiếm ít tiền phụ mẹ mua đồ mới. Lại có bà cụ mới sáng sớm ra ngồi ngay ngoài đường sửa soạn mâm vàng mã chuẩn bị cho xóm cúng tổ nghề may giữa tháng chạp. Mấy đứa nhỏ phụ bà xếp giấy tiền, hương đèn vào mâm đồng, có lẽ nó đem đến cho người ta hơi ấm, làm người đi xa quay quắt nỗi nhớ nhà, muốn trở về ngay.

Hội An là vậy, 3,2 triệu lượt du khách đến đây mỗi năm. Hội An đón nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, và cũng tự thay đổi để bắt kịp trào lưu phát triển. Nhưng tháng chạp ở Hội An là lúc người phố cổ sống đúng với phong cách còn nhiều quê kiểng. Thong thả đi trên phố ngày rằm tháng chạp, thấy cứ ba nhà thì có một nhà đang bày bàn cúng tổ nghề may rất thịnh soạn. Bởi nghề may đã rất nổi tiếng ở Hội An từ 20 năm nay.

Rồi cũng tháng chạp, cửa chùa Ông đối diện chợ lúc nào cũng nghi ngút khói hương do những người kinh doanh đến cúng bái để tỏ lòng biết ơn Ông đã phò trợ cho một năm làm ăn trôi chảy. Từng chút một, người Hội An tự khắc sâu những đường nét cổ kính chưa bao giờ nhạt phai để kéo con cháu làm ăn phương xa trở về, kéo những người khách đến chơi một lần mà nhớ hoài và muốn quay lại.

KHẢI LY