Nỗ lực cắt giảm 10% chi phí cho doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 00:06, 12/12/2018
Cụ thể, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong sổ tay điều hành của lãnh đạo. Thủ tướng cho biết ông đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình và giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.
"Chính phủ cam kết tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Liên tiếp trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy những cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh tình hình quốc tế luôn thay đổi, để không bị tụt hậu. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nếu thực hiện tốt sẽ giúp giảm tối thiểu 10% chi phí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công trước những sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu thì cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên.
Trước hết là nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam vì tất cả các doanh nghiệp đều có những lợi thế so sánh. Nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, doanh nghiệp đã thành công một nửa.
Trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân doanh nghiệp cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa.
Thứ hai là Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các công ty Việt Nam.
Thứ ba là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. Môi trường chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng với vị trí địa - chính trị tối ưu sẽ là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
"Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương lẫn địa phương), cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công... Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn để phát triển nhanh và bền vững hơn. Đồng thời sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.