"Giai đoạn vàng" cho Việt Nam phát triển tín dụng tiêu dùng

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:26, 14/12/2018

Với dân số khoảng 95 triệu người, trong đó hơn một nửa là người trẻ có mức tiêu dùng cao, Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn "vàng" để phát triển tín dụng tiêu dùng.

Người trẻ mua sắm nhiều hơn một phần nhờ các công ty cho vay tiêu dùng. Ảnh: T.LINH

Với tốc độ tăng bình quân khoảng 50 - 65% mỗi năm và dự báo đạt 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, thị trường tài chính tiêu dùng đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với công nghệ số ngày càng phát triển, cuộc đua công nghệ từ các hãng càng khiến thị trường vay tiêu dùng trở nên hấp dẫn.

Nhiều thương hiệu mới

Tháng 10/2018, Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) ra mắt thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP.HCM, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance.

Easy Credit nhắm đến những người chưa được các ngân hàng quan tâm và nhóm khách hàng có thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu, Easy Credit giới thiệu gói vay tiền mặt đến khách hàng tại 5 tỉnh - thành, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu.

Trước đó, giữa tháng 8, Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cũng đã khai trương trụ sở mới tại Hà Nội. Mới đây, Công ty Tài chính CP Xi măng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit Finance Company).

Trong khi đó, Ngân hàng SeABank đã rót 710 tỷ đồng mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện.

Bên cạnh đó, các ngân hàng như Vietcombank, ACB hay OCB cũng tỏ rõ mong muốn gia nhập thị trường này.

Link bài viết

Không chỉ có nhà đầu tư nội, thị trường cho vay tiêu dùng đang hấp dẫn với các dòng vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến sự gia nhập của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Cụ thể, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã mua lại Techcom Finance trong một thương vụ M&A trị giá 1.700 tỷ đồng vào tháng 10/2017.

Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB). Shinhan Card rót hơn 3.420 tỷ đồng mua Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) sau khi đã sở hữu thương hiệu Ngân hàng ANZ Việt Nam.

Theo công bố của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hồi cuối năm ngoái, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng mạnh, ước tính từ 646.000 tỷ đồng vào năm 2016 và đạt mốc 1.000.000 tỷ đồng vào năm 2019.

Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 tín dụng tiêu dùng vẫn là điểm sáng khi giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 65%, vượt qua mức tăng trưởng 50,2% của năm 2016 và cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng tín dụng chung khoảng 19%/năm.

Có nhiều yếu tố giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam với dân số trẻ, thu nhập đang tăng theo đà tăng của nền kinh tế cùng với xu hướng sẵn sàng vay nợ chi tiêu cho các nhu cầu của đời sống và khả năng tiếp cận các khoản vay ngày càng dễ. Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua nhưng trên thực tế, dung lượng thị trường vẫn còn rất lớn. Hiện lượng khách hàng các công ty tài chính khai thác còn rất nhỏ so với 95 triệu dân. Đây là điều hấp dẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam.

Cơ hội vàng

Các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như nền kinh tế đang ở giai đoạn tăng trưởng, dân số gần 95 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm đến hơn một nửa.

Theo ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao.

Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức của người dân và hộ gia đình.

Với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn, đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng, tạo việc làm cho nhiều người.

Vay tiêu dùng được triển khai mạnh tại các cửa hàng điện thoại

Vay tiêu dùng được triển khai mạnh tại các cửa hàng điện thoại

Trên thị trường hiện có 18 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 6 công ty nước ngoài, 4 công ty TNHH MTV do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu và 8 công ty cổ phần có các cổ đông là tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ trên 25%. Các công ty tài chính hiện hữu ngày càng phát triển nhanh hơn và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2017, doanh thu của FE Credit tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ.

Home Credit đã có hơn 7,2 triệu khách hàng trong vòng 10 năm hoạt động tại Việt Nam, 9.200 điểm bán và tổng doanh thu năm 2017 đạt trên 28.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cách nay 2 năm. Trong khi đó, HD Saison có dư nợ tín dụng gần 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh với đà tăng trên 50% mỗi năm (năm 2017 lên 65%) và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này đến năm 2020. Từ quy mô 600.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, cho vay tiêu dùng dự báo sẽ cán mốc 1.000.000 tỷ đồng trong năm 2019. Các công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường như FE Credit, HD Saison, Home Credit ghi nhận nguồn lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng mẹ.

Chia sẻ với báo giới, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit cho rằng dù cho vay tiêu dùng phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Theo ông, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 11,4%, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40 - 50%.

Theo ước tính của các chuyên gia, giá trị tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm, và đến năm 2020 có thể sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2017. Tuy nhiên, khả năng người dân tiếp cận tài chính tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Số lượng người có giao dịch tín dụng được ghi nhận thông qua ngân hàng, các công ty tài chính... mới chỉ đạt khoảng 33,5 triệu người. Thế nên tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng còn rất lớn.

HỒNG NGA - MINH HÀO