Những ngôi nhà kỳ lạ
Du lịch - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2018
Trong khoảng 20 năm kể từ khi tôi đến thăm ông lần đầu, ngôi nhà của ông biến đổi khoảng 4 lần. Lần đầu tiên ông mang kiểu kiến trúc nhà biệt thự nông thôn từ Đà Lạt đặt vào giữa phố ngoại ô Đà Nẵng. Trong nhà có bếp lò kiểu Pháp, vợ ông bỏ vào lò những cây củi cháy đỏ để nấu cho ông những món ăn kiểu miền tây. Tính cách ông chủ nhà đậm chất Quảng, nhưng là chất Quảng của những người nghệ sĩ, từng trải và rất lịch lãm.
Khu vườn trước ngôi nhà mới đầu trống trải, sau một thời gian màu xanh cây cỏ đậm lên, không gian vườn bắt đầu chật chội vì dự án tạc tượng chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam của ông đã khởi động.
Nhạc sĩ Văn Cao đã có lần ghé thăm khu vườn tượng, tôi hình dung hôm ấy ông nhìn quanh và chợt thấy bao người quen cùng một số người thân trong khu vườn ấy, những Xuân Diệu, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Đào Duy Anh, Phạm Duy, Võ An Ninh, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Dương Thiệu Tước... (đều đã được đúc đồng), người đăm chiêu, người nhắm mắt, người mỉm cười.
Ngôi nhà mấy lần thay đổi cấu trúc, kiểu trang trí, nhưng các bức tượng văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu của Việt Nam vẫn để nguyên trong khu vườn. Ông không đem theo tác phẩm đến những không gian khác, dù nhiều lần ông đi xa rất lâu, để ngôi nhà ở lại trong yên lặng.
Ở trung tâm phố cổ Hội An, đôi lúc khách giật mình khi đi ngang qua một ngôi nhà tràn ngập đồ cổ bày trong tủ kính. Tủ không khóa, hai cánh cửa lớn bằng gỗ của ngôi nhà cổ cũng không khóa nốt. Nhiều khi ngôi nhà vắng tanh, không thấy chủ nhân đâu. Khách thắc mắc, lo lắng, ông Diệp Gia Sùng - chủ kho báu đồ cổ bảo: "Ngày trước các cụ vẫn mở toang cửa nhà như thế và chưa hề mất món đồ nào".
Ông cứ mở cửa để khách thích đồ cổ thì vào xem miễn phí, không mua bán gì. Ở Hội An, chẳng riêng nhà ông họ Diệp, khi bạn vào cửa hàng áo quần, tranh, đồ gốm hay đồ bạc, có khi phải gọi ba, bốn tiếng mới thấy chủ cửa hàng từ nhà sau chạy lên. Ngoài đường du khách bốn phương qua lại, người trong nhà vẫn ung dung tận hưởng cuộc sống an lành như thế.
Một lần đến Huế, tôi tới thăm mệ Khánh Nam - chủ nhân của Lạc Tịnh Viên ở 65 Phan Đình Phùng. Mệ năm ấy đã tròn bảy mươi và nơi mệ luôn toát lên sự tự tin cùng vẻ đẹp cao quý. Mệ là cháu đời thứ sáu của vua Minh Mạng, tên là Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, hiện đang trông giữ ngôi nhà của nhà thơ Hồng Khẳng, là cháu nội của vua Minh Mạng.
Mệ Khánh Nam là người nổi tiếng xứ Huế còn giữ được cốt cách hoàng tộc trong nếp nhà, từ những tập tục của gia đình đến các thói quen tao nhã chốn phủ đệ. Quả nhiên Lạc Tịnh Viên đã đón chúng tôi với một vẻ đẹp sung mãn, tưởng như kinh thành tráng lệ vẫn còn đó, cửa nhà quan vẫn giữ được hồn xưa. Khắp vườn, những gốc mai cổ thụ trên trăm năm tuổi đã được tuốt lá và những nụ hoa bụ bẫm đã sẵn sàng bung nở ngay trong cơn gió bấc chờ đón giao thừa.
Mệ đợi chúng tôi ở bậc thang lên nhà trên, chiếc áo dài màu hoàng yến, mùi trà gừng thoảng khắp vườn như để chống đỡ cái giá lạnh thấu xương của đất cố đô đã gợi cảm hứng cho bao nhạc sĩ tài danh sáng tác. Nhà mệ Khánh Nam quả nhiên đã sắm sửa đủ lệ bộ cho ngày Tết, những món ăn truyền thống như bất cứ nhà bình dân xứ Huế nào cũng có, Nhưng mệ nói có vài món làm theo kiểu cung đình để chờ cúng tổ tiên. Lạc Tịnh Viên u trầm trong hương khói cuối năm nhưng vẫn còn nguyên cái cốt cách tao nhã chốn phủ đệ hoàng tộc như một thế giới rất riêng giữa Huế.
Đây quả là những ngôi nhà kỳ lạ, chúng tỏa ra sức sống mạnh mẽ, mặc cho thời gian đang trôi!