Góp vốn làm phim: Không chỉ là... hoa hồng
Đời thường - Ngày đăng : 06:28, 16/12/2018
Cảnh trong phim "Tháng năm rực rỡ" |
Các phương thức huy động vốn
Phim điện ảnh là loại hình nghệ thuật có mức đầu tư lớn, cần huy động vốn trong thời gian ngắn nên ít có nhà sản xuất tự bỏ 100% tiền túi để làm. Bởi vậy, từ lâu thị trường phim Việt đã có nhiều phương thức huy động vốn. Phương thức phổ biến nhất là "bắt tay" giữa các hãng phim trong và ngoài nước.
Chẳng hạn như Chánh Phương Film hợp tác với Lotte Cinema, Kyodo Television, Cinebox và Dolfilm sản xuất phim Hồn papa da con gái, HK Film hợp tác với CJ Entertaiment sản xuất phim Tháng năm rực rỡ, Galaxy M&E và HK Film hợp tác sản xuất phim Dạ cổ hoài lang...
Ngoài số phần trăm tiền vốn, phương thức này còn có hình thức "góp" đội ngũ nhân lực, máy móc và thiết bị làm tiền kỳ, hậu kỳ, kinh nghiệm sản xuất hay phát hành, tiếp thị và quảng bá... Thực tế chứng minh đây là phương thức đạt hiệu quả cao, đáng tin cậy với số lượng phim thành công lớn nhất cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật.
Phương thức thứ hai là nhà sản xuất không đủ kinh phí thì huy động nghệ sĩ, ekip làm phim góp bằng số phần trăm vốn hay cát-xê, công sức "có bao nhiêu góp bấy nhiêu, lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn, lời ăn lỗ chịu". Đây là cách của ekip làm phim Liên minh huyền thoại hay một số nghệ sĩ đã thực hiện.
Như Thái Hòa góp cát-xê và một ít vốn vào các phim Long ruồi, Quả tim máu, Để Mai tính 2, Fan cuồng..., Việt Hương từng góp vốn và cát-sê vào phim Chạy đi rồi tính, Em gái mưa... Trường Giang hùn vốn và đóng vai chính phim Siêu sao siêu ngố... Trong số phim này, Trường Giang thắng với Siêu sao siêu ngố, Thái Hòa thắng với Long ruồi, Quả tim máu, Để Mai tính 2 nhưng trắng tay với Fan cuồng...
Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang |
Các phương thức khác là tìm vốn sản xuất từ các quỹ đầu tư điện ảnh nước ngoài và gần đây là quỹ điện ảnh trong nước (như Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam) dành cho các đạo diễn, nhà sản xuất thuộc dòng phim độc lập; góp vốn giữa các cá nhân là đạo diễn trẻ và nhà sản xuất mới, như phim Nhắm mắt thấy mùa hè; huy động vốn từ cộng đồng như dự án 578 đưa ra tổng kinh phí 60 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư bỏ ra 28 tỷ đồng, còn lại nhờ cậy sự chung tay của những ai quan tâm.
Ngoài ra, thông qua Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2014) và Thạch Thảo (2018), có thêm phương thức góp vốn giữa Nhà nước và hãng phim tư nhân. Được gọi là tài trợ quảng cáo, phương thức góp vốn này đã đem lại nguồn kinh phí đáng kể cho một số phim Việt...
Cẩn trọng khi "vác mai đi đào"
Hiện nay, trung bình mỗi phim đầu tư từ 5 - 20 tỷ đồng, chủ yếu dao động khoảng trên dưới 10 tỷ. Điều này đồng nghĩa phim phải thu về khoảng 20 tỷ đồng mới hòa vốn, bởi theo tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và đơn vị phát hành là 50/50, thậm chí 60/40.
3 năm gần đây, phim Việt tăng về số lượng nên gần như tuần nào cũng có phim mới ra rạp. Nhưng phim có chất lượng khá và có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, giới sản xuất phim Việt chưa có thói quen công khai kinh phí làm phim và doanh thu của phim. Trên thực tế, việc công bố chính thức các con số này sẽ gây được sự chú ý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Vì chưa có đơn vị kiểm toán doanh thu độc lập nên thường nhà sản xuất sẽ "thổi phồng" hay "giấu nhẹm" doanh thu thật nhằm đánh bóng tên tuổi, dễ kêu gọi đầu tư hơn ở các dự án sau. Bởi vậy, đã có không ít nhà đầu tư nhảy vào "cuộc chơi" với tâm lý "chia phần miếng bánh ngon".
Còn một thực tế nữa là doanh thu của phim Việt rất khó đoán. Có phim như Thiên mệnh anh hùng, Fan cuồng, Lôi báo, Truy sát... được sản xuất với kinh phí lớn, đầu tư lớn về mọi mặt nhưng doanh thu không như ý. Ngược lại, Siêu sao siêu ngố chỉ đầu tư ở mức trung bình nhưng lại thu về cả trăm tỷ đồng. Một nhà sản xuất kỳ cựu cho biết doanh thu giống như canh bạc vậy, khó ai nói trước được điều gì khi bắt tay vào làm phim.
Ngay cả khi đã có vốn, làm phim xong, mang đi chào các nhà phát hành cũng không dễ dàng. Nhà phát hành chỉ gật đầu khi thấy được các yếu tố "đảm bảo" về năng lực của nhà sản xuất, chất lượng bộ phim, tên tuổi và tay nghề của đạo diễn - diễn viên, chiến lược quảng bá... Thị trường khắc nghiệt nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và tâm lý "vác mai đi đào" đang chi phối không ít nhà sản xuất, nhà đầu tư góp vốn.
Việc gãy gánh giữa đường của phim Thiên đường mới đây như "tố cáo" của đối tác góp vốn là do nhà sản xuất thể hiện sự yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn khả năng quản lý, vận hành dự án, nợ thù lao diễn viên... Tuần rồi, đại diện Chánh Phương Film đã lên tiếng cảnh báo về việc có công ty, cá nhân bên ngoài mạo danh nhà sản xuất này nhận tiền đầu tư vào phim Em trên 18 (phần 2 của Em chưa 18) - một dự án đầy triển vọng của năm 2019.
Một nhà sản xuất đã đúc kết: muốn huy động được vốn để sản xuất phim thì cần phải có kịch bản hay và hấp dẫn, nhà sản xuất và đạo diễn giỏi, dàn diễn viên nổi tiếng và diễn xuất tốt, các cảnh quay đẹp, chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp và mới lạ, thời điểm phát hành được xác định trước cả khi bấm máy...
Các công ty như HK Film, Chánh Phương Film, Galaxy, BHD... dễ dàng huy động vốn cho các dự án lớn là nhờ tạo dựng được thương hiệu và uy tín từ nhiều năm qua. Không phải tất cả phim họ làm đều thành công, nhưng các đối tác vẫn góp vốn vì thấy được sự minh bạch trong hợp tác.