Nam giới Nhật Bản đua nhau làm… tiếp viên hàng không
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 20/12/2018
Nếu xu hướng này tiếp diễn, rất có thể cụm từ “soradan” (tiếp viên nam) sẽ sớm trở nên nổi tiếng, và mang tới những khác biệt cho ngành dịch vụ này.
Đầu tiên, tiếp viên nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về thể lực ngày càng cao, cũng như nhu cầu trong việc xử lý tình huống với đối tượng hành khách “khó chịu”, ví dụ như say xỉn hoặc dễ nổi nóng.
Tiếp nữa, xu hướng dùng tiếp viên nam cho thấy ngành hàng không Nhật Bản đang dần hiện đại hóa và các vai trò về giới, và điều này bắt đầu tác động đến những công việc từng được xem như đặc thù cho một giới tính nhất định trên khắp thế giới.
Sau cùng, các hãng hàng không quy mô nhỏ cũng sử dụng đây như một chiêu bài để tạo sự khác biệt với các đối thủ lớn trong nước.
Khi cân nhắc một số lợi ích mà một tiếp viên nam có thể mang lại, thì nhiệm vụ giúp hành khách xếp hành lý (vốn ngày càng trở nên cồng kềnh) đã trở nên đáng chú ý hơn cả so với các nhiệm vụ yêu cầu sức lực khác.
"Tiếp viên nam và nữ có ý thức và cảm quan khác nhau về nhu cầu của hành khách do đó bằng cách kết hợp cả hai giới tính, chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện", báo Mainichi dẫn lời Koichi Ito, một tiếp viên của Star Flyer cho biết.
Năm nay 38 tuổi, Ito từng có thời gian làm việc trong khách sạn trước lúc gia nhập đội bay của Star Flyer, một hãng vận tải hạng trung có trụ sở tại sân bay Kitakyushu ở tỉnh Fukuoka.
Star Flyer hiện có khoảng 160 phi hành đoàn, bao gồm 8 nam và dự định thuê thêm 6 nam tiếp viên vào mùa hè tới.
"Việc sử dụng tiếp viên nam giúp chúng tôi đạt được hiệu quả trong việc xây dựng ấn tượng với hành khách, rằng chúng tôi cung cấp dịch vụ khác biệt so với các hãng hàng không lớn", người phát ngôn của Star Flyer nói.
Tương tự ở Jetstar Japan, một hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại Narita, tỉnh Chiba, nam giới chiếm khoảng 15% trong tổng số tiếp viên hàng không.
Phi hành đoàn là nam hiện chiếm khoảng 1% số tiếp viên của cả hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản - Japan Airlines và All Nippon Airways - nhỏ hơn đáng kể so với 40% tại Singapore Airlines và 10% tại Korean Air, hãng hàng không lớn của Hàn Quốc.
Các hãng hàng không nước ngoài sử dụng nhiều nam tiếp viên trong đội ngũ phi hành đoàn, và điều này cho thấy sự khác biệt trong cách vận hành ngành dịch vụ bay so với các công ty Nhật Bản.
Đại diện đối ngoại của Air France, hãng hàng không đang sở hữu hơn 30% tiếp viên là nam giới, nói rằng Pháp có một nền văn hóa hiện đại, nơi mà nam giới làm việc trong ngành dịch vụ là việc rất phổ biến.
Ngược lại, các hãng hàng không Nhật Bản gần đây hầu như chỉ tuyển dụng nữ tiếp viên trẻ trên các chuyến bay quốc tế.
Theo lời giám đốc điều hành của một hãng hàng không nội địa hàng đầu ở Nhật, xu hướng tuyển dụng này bắt nguồn từ lý do các hãng cần làm hài lòng khách hàng doanh nghiệp, vốn đa phần là nam giới.
Nhưng hiện nay mọi thứ đang thay đổi. Hiroki Nakamura, 38 tuổi, một tiếp viên nam của Japan Airlines cho biết: “Số lượng hành khách là phụ nữ trẻ và người nước ngoài đang gia tăng đã tạo ra rất nhiều nhu cầu khác nhau, bao gồm cả những nhu cầu có thể được đáp ứng bởi các thành viên phi hành đoàn nam. Chúng tôi cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các tiếp viên nam trong độ tuổi từ 20".
Mối quan tâm về việc nam giới trở thành thành viên phi hành đoàn cũng tăng lên nhờ bộ truyện manga Soradan ra mắt hàng tuần của nhà xuất bản Kodansha Ltd.
Bộ truyện xoay quanh câu chuyện về một cậu bé 18 tuổi đã mất hy vọng vào cuộc sống và sau đó trở thành tiếp viên hàng không trong nỗ lực thay đổi cuộc đời.
Issei Itokawa, nữ tác giả của bộ truyện trên, đã có những chia sẻ trên tạp chí Morning như sau: "Khi tôi tiến hành nghiên cứu (cho công việc này), tôi đã nhận ra rằng các tiếp viên nam đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các rắc rối, chẳng hạn như với những hành khách say xỉn hoặc nóng tính. Tôi hy vọng bộ truyện manga của tôi sẽ khuyến khích nam giới trở thành một ‘soradan’ như thế”.