Huawei có thể "chia rẽ thế giới" như thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 05:22, 21/12/2018
Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), giám đốc tài chính (CFO) và là con gái của nhà sáng lập đại gia công nghệ Huawei của Trung Quốc. Nguồn: AP |
Đó là cách đơn giản nói về căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt trong trường hợp Mỹ yêu cầu Canada bắt bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), giám đốc tài chính (CFO) và là con gái của nhà sáng lập đại gia công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Giám đốc công nghệ lo lắng
Một cách dễ hình dung hơn, cây bút người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh Michael Schuman kể lại trên Bloomberg về vụ Huawei như sau: Khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt vào ngày 1/12, ông đang ở Hàn Quốc. Schuman gọi điện về Bắc Kinh cho vợ, bàn về quan hệ Mỹ - Trung và hai bên đùa nhau rằng “Có lẽ sẽ an toàn hơn nếu ông đừng quay về Trung Quốc nữa”.
Câu đùa ấy hóa ra chẳng vui chút nào, Schuman viết. Chỉ trong vòng vài ngày, chính quyền Trung Quốc bắt 2 nhà ngoại giao Canada (và sau này đã bắt thêm 1 người nữa).
Bất kể Trung Quốc luôn phủ nhận động cơ của các vụ bắt bớ rất trùng hợp ấy, thì dư luận thế giới vẫn râm ran về màn trả đũa hoặc “bắt con tin” để Canada trả người.
Báo chí Mỹ trong thời điểm ấy thì dẫn lời một số chuyên gia nói thẳng rằng Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách làm đúng những điều Mỹ đã làm, tức sẽ bắt các giám đốc công nghệ Mỹ.
Khi được hỏi về việc liệu một giám đốc “tai to mặt lớn” của Mỹ có nên ở Trung Quốc ngay lúc này không, CEO của công ty nghiên cứu Beige Book tại Trung Quốc đáp: “Nếu là tôi thì tôi không ở đâu. Quá nhiều rủi ro”.
Mặc dù tính đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn có xu hướng tập trung vào Canada, nhưng người Mỹ vẫn lo ngay ngáy.
Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc ban hành khuyến cáo dành cho những người Mỹ muốn đến Trung Quốc, theo Reuters.
Trên Twitter, một biên tập viên báo Trung Quốc còn viết rằng: “Giờ thì các giám đốc Mỹ và Canada sẽ hồi hộp hơn khi đến Trung Quốc... sự hồi hộp thậm chí còn lớn hơn đối với các giám đốc Trung Quốc muốn sang Mỹ hay Canada”.
Người dân cũng lo
Schuman dĩ nhiên không phải một giám đốc công nghệ. Nhưng cũng như câu đùa “không vui” giữa ông và vợ, rõ ràng căng thẳng Mỹ - Trung, vụ bắt bớ bà Mạnh, thậm chí có nguy cơ đẩy Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa nhau. Mà chuyện hai quốc gia có thể “xa nhau”, cũng đồng nghĩa người dân của họ có thể xa nhau.
Theo cách nói của Schuman, người tự nhận đã say mê lịch sử và triết học Trung Hoa, thì trong mắt người Trung Quốc, Mỹ là một thế giới mở. Ngược lại, trong mắt người Mỹ, Trung Quốc cũng là một nền văn minh có rất nhiều điều đáng học hỏi, nghiên cứu.
Cái nhìn tích cực về nhau như đã nói, vốn dĩ được thúc đẩy bằng quá trình cải cách mà cựu chủ tịch Đặng Tiểu Bình mở ra cách đây 40 năm. Hiện nay, hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ (kỷ lục “xuất ngoại” của du học sinh Trung Quốc, cũng là kỷ lục sinh viên nước ngoài tại Mỹ) là con số đủ lớn để minh chứng cho sự giao lưu ấy.
Song, rõ ràng căng thẳng Mỹ - Trung và những khuyến cáo về đi lại rất có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình giao lưu này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu hạn chế thị thực dành cho một số sinh viên Trung Quốc, với lý do sợ nhóm này đánh cắp công nghệ Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng chẳng mảy may khuyến khích dân mình tới Mỹ làm gì nữa. Chuyện còn tệ hơn, vì vài năm nay thực chất du khách Trung Quốc đã được khuyến cáo về an ninh tại Mỹ, do các vụ xả súng, hoặc chi phí y tế đắt đỏ ở xứ cờ hoa.
Và nếu không giao lưu trực tiếp giữa người với người thì sao?
Công nghệ, mạng xã hội có thể là chiếc cầu nối.
Nhưng dù đã trở thành một công cụ vô cùng hữu hiệu để kết nối con người, như cảnh một người tại Thâm Quyến có thể biết chuyên gia công nghệ tại Phố Wall đang làm gì, thì mảng công nghệ hiện nay, thể hiện rõ ở vụ việc của Huawei, cũng xem ra chẳng giúp ích mấy.
Trong căng thẳng về thương mại, Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ, do thám người Mỹ. Washington vì vậy đang khiến các đại gia công nghệ và viễn thông của Trung Quốc như Huawei hay ZTE không thể phát triển trên thị trường của mình. Ngược lại, Google, Facebook hay Twitter tốn cả thập kỷ cũng chẳng tìm thấy đường vào Trung Quốc.
Các nước nhỏ hơn thì cũng vì quan hệ Trung - Mỹ mà điều chỉnh hành vi của mình. Vậy nên, đâu có gì sai nếu nói thế giới có thể chia rẽ vì... Huawei.