Đến siêu thị mua thực phẩm an toàn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:15, 24/12/2018

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe nên chị em phụ nữ hãy đừng ngần ngại đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm an toàn cho gia đình.
Đến siêu thị mua thực phẩm an toàn

Các loại rau, củ, quả bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng

Chia sẻ tại hội thảo "Ăn sạch sống xanh" do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp với hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ tổ chức cuối tuần qua, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và cả người tiêu dùng.

Hiện nay, thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rau, củ, quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... còn nhiều trên thị trường khi vẫn chưa dẹp được các chợ tạm, chợ tự phát. "Không phải thực phẩm ở chợ truyền thống không an toàn nhưng mua ở siêu thị đảm bảo an toàn hơn.

Chúng tôi mong muốn phụ nữ ủng hộ thực phẩm "sạch" bằng hành động thực tế, đừng hô hào suông rồi cuối cùng vẫn mua thực phẩm trôi nổi vì ham giá rẻ. Cần ủng hộ những địa điểm kinh doanh hợp pháp, không tiếp tay cho chợ tạm, chợ vỉa hè, chợ tự phát vi phạm quy định an toàn thực phẩm", bà Phong Lan nói.

Theo Sở Công Thương, hiện TP.HCM có hệ thống phân phối hiện đại lớn nhất nước với 204 siêu thị, 44 trung tâm thương mại (trong đó 50% trung tâm có kết hợp với siêu thị) và 2.300 cửa hàng tiện lợi. Thành phố đang có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị và theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ có thêm hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi và trên 50 siêu thị.
Thành phố cũng có ba chợ đầu mối, 239 chợ truyền thống và khoảng 250 chợ tự phát, chợ tạm. Đáng chú ý là doanh thu của hệ thống phân phối hiện đại chỉ mới chiếm 30% tổng doanh thu ngành bán lẻ. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống là hệ thống phân phối chủ lực cho các bữa ăn gia đình với doanh thu chiếm đến 70% tổng doanh thu ngành bán lẻ.

Nhận định mua hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ yên tâm hơn về chất lượng, bà Phong Lan cho rằng các nhà kinh doanh bán lẻ đã rất chú trọng việc kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào. Họ đầu tư hệ thống kiểm nghiệm rất tốt để kiểm tra chất lượng sản phẩm, các loại nông sản xem có tồn dư chất cấm hay không trước khi đưa lên quầy kệ.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực thi tại các hệ thống phân phối này. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, đi tiền kiểm, thẩm định cấp phép cho DN, tiếp đến là khâu hậu kiểm. Nếu DN làm sai sẽ bị Ban xử lý công khai thông tin trên trang web của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng nếu có điều kiện, người tiêu dùng nên đến các hệ thống phân phối hiện đại để yên tâm mua hàng chất lượng. Nếu bắt buộc phải đến chợ truyền thống thì nên mua thực phẩm được bày bán trong nhà lồng chợ, nơi Ban quản lý biết rõ nguồn gốc hàng hóa. Không nên mua thực phẩm bán ở vỉa hè, lề đường vì không thể biết nguồn gốc từ đâu.

Cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, hiện nay thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán qua kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) chỉ mới chiếm khoảng 30% doanh thu ngành bán lẻ. Đã vậy, trong 10 chuỗi siêu thị tại TP.HCM chỉ còn hai chuỗi (Co.opmart và VinMart) là của người Việt. Thế nên việc ưu tiên dùng hàng Việt và tính gần gũi với thói quen người tiêu dùng cũng giảm đi.

Chia sẻ thực tế tại DN mình, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+ khẳng định độ tin cậy của hàng hóa bán tại hệ thống này, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Các loại rau, củ, quả được chính Vineco - DN con của Vingroup trồng trong nhà kính được nhập từ Israel. Các công nghệ hiện đại nhất, từ giống, phân, quy cách trồng... cũng nhập từ nước này nên đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ở góc độ khác, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người đã đồng hành cùng DN từ nhiều năm nay cho rằng hiện nay, việc cung cấp thực phẩm "sạch" của các bên đang thiếu nguồn lực để thực hiện và sản phẩm cũng chưa đạt chất lượng như mong muốn. Cụ thể, cơ quan nhà nước thiếu nhân lực triển khai, người tiêu dùng hời hợt trong việc chọn mua thực phẩm "sạch", nhà sản xuất và DN chưa đầu tư mạnh cho thực phẩm an toàn.

Các thống kê cho thấy mới chỉ có 18% hộ sản xuất đạt chứng chỉ VietGAP, nghĩa là trong 100 hộ sản xuất, kinh doanh chỉ có 18 hộ đạt tiêu chuẩn này. Thế nên chứng chỉ này chỉ "bảo chứng" được cho nông sản, thực phẩm tại thị trường trong nước chứ chưa thể giúp đưa nông sản ra thế giới.

THANH NGÂN