3 kịch bản kinh tế Việt Nam 2019

Trong nước - Ngày đăng : 06:42, 24/12/2018

Tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong 2 năm tới Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
3 kịch bản kinh tế Việt Nam 2019

Hoa công nghiệp. Ảnh: Bùi Gia Phú (cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt 2018)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/12 đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế để hình thành những chính sách nhằm tháo gỡ những bất cập, hạn chế, đồng thời hoàn thành muc tiêu năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7% và ổn định vĩ mô.

Với nhận định tiềm năng của nền kinh tế nước ta còn rất lớn, Tổ tư vấn dự báo 3 kịch bản kinh tế năm 2019.

Kịch bản một (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018-2020.  Kịch bản hai, con số này là 6,91% và kịch bản ba là 7,06%.

Tổ Tư vấn cho rằng, năm 2019 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).

Tổ Tư vấn kiến nghị Chính phủ ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ bốn nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019-2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.

“Hiến kế” giải pháp đối với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh", nhiều thành viên của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác (có thể giao Tổ Công tác của Thủ tướng) giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Các chuyên gia cũng kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân. Đơn vị và cá nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép".

Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô.

P.T