Sôi động thị trường ứng dụng gọi xe

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:51, 29/12/2018

Với quy mô 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, thị trường ứng dụng gọi xe sôi động khi có những "tân binh" và lượng vốn đầu tư lớn đổ vào.
Sôi động thị trường ứng dụng gọi xe

Thị trường ứng dụnggọi xe Việt đang chào đón những tân binh. Ảnh: X.THẢO

Thêm tân binh

Giữa tháng 12/2018, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ chào đón tân binh "be" của Công ty CP BE Group - một công ty công nghệ trong nước. Ứng dụng gọi xe "be" với 2 dịch vụ là beBike (đặt xe 2 bánh) và beCar (đặt xe 4 bánh). Tại lễ ra mắt, lãnh đạo của BE Group khẳng định những sản phẩm của Công ty sẽ mang đến giải pháp liên kết các dịch vụ và hỗ trợ giao dịch, với mong muốn trở thành cầu nối giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ.

Hiện tại, "be" triển khai dịch vụ vận chuyển tại TP.HCM và Hà Nội, từ tháng 2/2019 sẽ phát triển ra các tỉnh, thành phố khác. BE Group đặt mục tiêu đến cuối năm nay, số lượng tài xế đối tác của Công ty sẽ đạt 10.000 người tại mỗi thành phố. Cùng với đó, "be" sẽ đạt 6,6 triệu lượt tải ứng dụng và hoàn thành 105.000.800 chuyến xe. Trong thời gian tới, trên nền tảng ứng dụng gọi xe "be", BE Group sẽ phát triển thêm dịch vụ giao hàng, chương trình khách hàng thân thiết, ví điện tử...

Link bài viết

Trước "be", giữa tháng 9/2018, ứng dụng gọi xe mới Go-Ixe - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng - cũng đã hoạt động. Không tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, Go-Ixe phát triển ứng dụng gọi xe ra các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng để thử nghiệm.

Với ứng dụng này, người sử dụng có 3 dịch vụ lựa chọn là Go-bike, Go-car và Go-taxi. Lợi thế lớn nhất của Go-Ixe, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, là hệ sinh thái đa nền tảng đối với người tiêu dùng và các chính sách phù hợp với người dùng ở từng địa phương như điều chỉnh giá cước theo từng vùng miền, địa phương...

Thị trường ứng dụng gọi xe còn có sự tham gia của một doanh nghiệp trong nước khác là FastGo thuộc Tập đoàn NextTech. Theo lãnh đạo của FastGo, thời gian đầu, FastGo triển khai 3 dịch vụ gồm Fast Car (gọi xe 4 bánh), Fast Taxi (liên kết với các hãng taxi để cung cấp giải pháp gọi xe trên ứng dụng FastGo) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Sau 2 tháng ra mắt thị trường phía Bắc, hồi tháng 8 năm nay, FastGo đã công bố nhận thêm vốn đầu tư từ Vinacapital Ventures.

Cuộc đua của những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận chuyển không thể thiếu thương hiệu Aber - ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư công nghệ người Việt du học tại châu Âu. Thương hiệu này có các dịch vụ: xe ôm công nghệ, taxi công nghệ, xe giao hàng - xe tải, xe doanh nghiệp và dịch vụ giao hàng.

Hiện thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ có đến gần chục thương hiệu và vẫn còn tiềm năng để doanh nghiệp khai thác. Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam khoảng 500 triệu USD với tốc độ tăng bình quân hơn 40% mỗi năm. Đến năm 2025, dự báo thị trường sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD với tốc độ tăng 29%/năm.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo các doanh nghiệp, hiện nay dù thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam vẫn đang nằm trong tay Grab nhưng dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe nội vẫn còn nhiều. Việc nhận vốn từ Vinacapital Ventures sẽ giúp FastGo củng cố nguồn lực tài chính, mở rộng thị trường và hệ sinh thái dịch vụ.

Gia nhập lĩnh vực chưa lâu nhưng thương hiệu này nhanh chóng tiến ra các thị trường mới như Đà Nẵng, đồng thời tuyên bố triển khai chương trình 1 triệu chuyến xe được giảm giá 20.000 đồng đến cuối năm 2018 cho khách thanh toán bằng thẻ. Theo kế hoạch, FastGo sẽ mở rộng hoạt động tại 8 thành phố lớn trong năm 2018 - 2020 với khoảng 20.000 tài xế. Mục tiêu của doanh nghiệp là thu hút được 5 triệu khách hàng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ứng dụng Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek (đến từ Indonesia) đang mở rộng thị phần tại TP.HCM. Hiện Go-Jek đã đầu tư đến 500 triệu USD cho thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo CEO Go-Viet Nguyễn Vũ Đức, dù mới tham gia thị trường nhưng Go-Viet đã thu hút hàng ngàn tài xế Việt Nam. Không dừng lại ở dịch vụ vận chuyển và giao hàng, Go-Viet hướng tới nền tảng đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử...

Ra sau nên "be" của BE Group lấy tài xế đối tác làm gốc. BE Group đã xây dựng chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ tài xế khi tham gia "be". Chương trình bảo hiểm được áp dụng ngay từ lúc tài xế đăng ký trở thành đối tác của "be", khi các bác tài kết nối mạng bật ứng dụng "be" nhưng đang không thực hiện cuốc xe và trong quá trình thực hiện cuốc xe.

Ngoài ra, "be" cũng phối hợp với các ngân hàng phát triển các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế. Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc BE Group, với "be", BE Group tự tin có thể cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe hiện nay trên thị trường bằng việc giới thiệu một chuẩn mực mới về chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng và chế độ đối xử chu toàn hơn, quan tâm hơn cho các tài xế.

"Với sự tin tưởng và hợp tác của các tài xế chuyên nghiệp cùng mô hình kinh doanh hiện đại, minh bạch, thấu hiểu tâm lý người Việt, chúng tôi có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng từ sự chăm chỉ, an toàn, chu đáo của đội ngũ lái xe để giữ niềm tin của khách hàng. Việc hợp tác chiến lược với VPBank, OPES nhằm mục đích tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các tài xế tối đa để họ có thể yên tâm mang lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của "be", ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Trước hàng loạt ứng dụng gọi xe ra mắt gần đây, Grab đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm giữ thị phần. Chẳng hạn như chương trình đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8km (áp dụng cho dịch vụ GrabBike). Hay như chương trình hỗ trợ đối tác với mức thưởng lên đến 300.000 đồng/ngày nếu tài xế chạy được nhiều cuốc xe. Bên cạnh đó, hãng này còn khuyến cáo sẽ cắt thưởng nếu tài xế cài đặt các ứng dụng gọi xe tương tự Grab.

Chia sẻ với báo giới về thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. "Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi", ông Nguyễn Xuân Thủy nói.

THANH NGÂN