Cơ hội và thách thức trên thị trường bất động sản năm 2019

Bất động sản - Ngày đăng : 07:00, 31/12/2018

PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, mặc dù năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam có những thăng trầm, nhưng nhìn chung là một năm tốt đẹp trên nền tảng ổn định.
Cơ hội và thách thức trên thị trường bất động sản năm 2019

Khách hàng tham quan mô hình một khu đô thị

Cơ hội

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, năm 2018, Chính phủ kiểm soát được thị trường bất động sản, dòng vốn đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường. Sự ổn định chính sách cũng tốt hơn, điển hình là Chính phủ đã quan tâm và đưa ra chỉ thị về quản lý, vận hành nhà chung cư.

"Nhìn chung, năm qua chính sách có nhiều điểm rõ ràng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn vướng nhiều thứ. Chẳng hạn Nghị định 20 của Chính phủ về khống chế trần lãi vay 20%, nhiều người cho rằng tốt nhưng nhiều người lại cho rằng đó là "kiềm chế", ông Khởi chia sẻ. Mặc dù vậy, theo ông Khởi, từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào bất động sản vẫn tăng cao, khoảng 85.000 tỷ đồng. Thứ hai là cho vay tiêu dùng vẫn cao, chiếm khoảng 68.000 tỷ đồng và thứ ba, đầu tư đất nền dư nợ tín dụng gần 42.000 tỷ đồng.

TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, bất động sản vẫn là lĩnh vực nền tảng cho sự phát triển. Trong khó khăn, so với các loại tài sản tài chính khác, bất động sản vẫn được coi là "hầm trú ẩn an toàn", giúp bảo toàn đồng vốn cho nhà đầu tư.

Link bài viết

"Chúng ta còn khoảng 65 tỷ USD trong dân (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới) và bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư có thể đem lại hiệu quả cho dòng vốn, là điểm hứng khởi trong năm 2019, TS. Thành cho biết.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước có mức độ tăng trưởng kinh tế khả quan nhất tại châu Á với mức tăng trưởng GDP cao và ổn định. Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo, năm 2019 Việt Nam có thể đối mặt với thách thức nhưng mức tăng trưởng vẫn được duy trì từ 6,6% - 6,8%.

Thêm nữa, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục hướng về Việt Nam bởi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn là nơi hấp dẫn nhất trong khu vực.

"Đến thời điểm này, mặc dù số vốn FDI đăng ký có giảm nhưng giải ngân lại tăng, đạt 16,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ 2017", ông Lực cho biết và nhận định, thị trường bất động sản hưởng lợi rất lớn từ nguồn vốn này.

Không ít thách thức

Tuy vậy, thách thức cũng không ít khi áp lực tăng lạm phát rất lớn, có thể vượt 4% vì nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, giá dịch vụ, y tế... đều tăng. Bên cạnh đó là những yếu tố khó lường từ kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia và những tác động từ các thị trường tài chính đang diễn biến rất phức tạp...

"Cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức nhưng thị trường sẽ có những diễn biến phức tạp, cạnh tranh rất khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với các kịch bản của năm 2019. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp về kinh tế số, số hóa bất động sản để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong điều hành", TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Thị trường bất động sản 2019 đan xen thách thức và cơ hội. Thách thức như tại TP.HCM, năm 2018, nguồn cung sụt giảm, giá giảm cho nên sẽ có nhiều biến động trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa cung và cầu cũng dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp khiến thị trường thiếu bền vững. Ở một diễn biến khác, phân khúc nhà ở xã hội năm 2018 chưa triển khai được, đang rất yếu do vướng nguồn vốn chính sách.

Quản lý tài sản công thiếu mảnh ghép cuối cùng, do đó năm 2019, thị trường bất động sản tiếp tục phức tạp. Đối với phân khúc nhà ở cao cấp đang có hiện tượng thừa cung trên thị trường. Tỷ trọng nhà đầu tư thị trường thứ cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao. Đặc biệt từ ngày 1/1/2019, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, trong đó có bất động sản, do đó các dự án bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày càng khó.

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc JLL Việt Nam, dự báo năm 2019, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô như thế nào, nhu cầu nhà ở của người Việt Nam vẫn rất cao. Vấn đề là các nhà đầu tư sẽ cung cấp những sản phẩm bất động sản như thế nào để phù hợp nhu cầu của người mua.

"Từ 2019 trở về sau, các đô thị khác ngoài thị trường truyền thống Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ phát triển, có thể là Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến. Việc đó sẽ làm các nhà đầu tư phân tán rủi ro mang tính địa lý", ông Quang nói.

DUY KHÁNH