Khám phá nhân sinh duy tân
Sách hay - Ngày đăng : 07:00, 01/01/2019
Yoshitaka Kitao là người đứng đầu một tập đoàn tài chính lớn tại Nhật Bản - SBI Holding. Ông cũng là thành viên HĐQT công ty toàn cầu phần mềm bảo mật Trend Micro. Ông thích viết, về nhân sinh, về các sự kiện, về hoàn thiện bản thân. Jinsei Wo Ishin Su (bản tiếng Việt là Nhân sinh duy tân do Thái Hà Books giữ bản quyền) là một cuốn sách của ông.
Đây không phải là cuốn sách về du học, lịch sử, con người hay văn hóa Nhật Bản; càng không phải một cuốn tự truyện. Nó chỉ là những suy ngẫm của một người Nhật về các vấn đề mà nước Nhật thực tế đang gặp phải, về làm người, làm lãnh đạo, làm doanh nhân.
Theo những người làm sách thì "Thật khó để nói ra điểm đặc biệt hay thú vị của cuốn sách này. Nó thuộc dạng phải đọc mới thấy hay. Nó không khiến tim ta đập mạnh mà chỉ âm thầm len lỏi vào máu của ta".
Trong Nhân sinh duy tân, doanh nhân Yoshitaka Kitao bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề như thế này:
Tại sao ở Trung Quốc liên tục xảy ra những vấn đề về an toàn thực phẩm?
Tổ chức Phát triển giáo dục thanh thiếu niên quốc gia đã làm một điều tra về ý thức mà đối tượng là học sinh cấp ba của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Số người trả lời "Rất quan tâm đến an toàn thực phẩm" là 23,5% đối với học sinh Mỹ, 19,5% học sinh Nhật, 19,1% học sinh Hàn Quốc, trong khi đó Trung Quốc là 52,27%. Số người trả lời "Tương đối quan tâm" của Trung Quốc cũng chiếm đến 87,2%.
Để giải thích cho điều này, Tổ chức Phát triển giáo dục thanh thiếu niên đã trả lời rằng, bởi vì chỉ vừa trước đó một tháng đã xảy ra một sự việc gây xôn xao dư luận. Công ty đặt tại Trung Quốc của tập đoàn bán buôn thực phẩm Mỹ OSI là Thực phẩm Thượng Hải Phúc Kiến đã bán thịt gà quá hạn sử dụng. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy giới trẻ.
Doanh nhân Yoshitaka Kitao - tác giả của "Nhân sinh duy tân" |
Ở Nhật Bản, sau khi phát giác sự việc trên khoảng một tháng đã có bản tin thông báo rằng Công ty Maruha Nichiro bị phát hiện có thuốc trừ sâu trong thực phẩm và đại diện công ty phải chịu hình phạt giam giữ ba năm sáu tháng.
Có thể nói rằng con người ăn để sống, chứ không phải ăn để thưởng thức hương vị của thực phẩm... Socrates cũng có câu ngạn ngữ nổi tiếng: "Ăn để sống chứ không phải sống để ăn". Nhưng trên thực tế lại có những thuyết cho rằng "Chẳng phải con người sống để ăn hay sao...?".
Xét từ lịch sử tiến hóa, từ thời sinh vật mới chỉ có dạ dày chưa có não bộ thì sinh vật chỉ tồn tại bởi một chức năng đơn giản là tất cả những thức ăn được đưa vào từ miệng sẽ được hấp thụ chất dinh dưỡng sau đó lại được đẩy ra ngoài qua đường dạ dày, từ đó sinh vật mới tiến hóa dần để đến được như ngày nay.
Từ góc độ đó thì không lấy gì làm khó hiểu trước một số thuyết của các nhà khoa học cho rằng con người đang sống để ăn, bởi lẽ một khi đã là con người, hoặc là động vật, thì không thể sống mà thiếu thức ăn được.
Chính vì vậy, khi đứng trước tình huống phải ăn một cái gì đó trong cảm giác bất an rằng "đồ này có an toàn không" thì bất cứ ai cũng sẽ phải lên tiếng, và khi xảy ra vấn đề lớn trong việc ăn uống thì câu chuyện đó chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ một người biết. Ở Nhật Bản khoảng 16 năm về trước cũng xảy ra vụ cà ri nhiễm chất độc và đã có rất nhiều nạn nhân của vụ nhiễm độc đó, trong đó không ít người đã chết. Cho nên đương nhiên chúng ta phải rất quan tâm đến vấn đề thực phẩm.
Trong cuốn Luận ngữ, Khổng Tử dạy rằng "Không nên ăn thịt, cá có mùi lạ", hay "Không ăn thực phẩm có màu xấu". Ta thấy Khổng Tử là người rất thận trọng trong vấn đề thực phẩm.
Ở Trung Quốc, người ta cũng quan niệm "Sức khỏe và thực phẩm là cùng một nguồn gốc", tức y học truyền thống (duy trì và bảo vệ sức khỏe) và thực phẩm có liên quan mật thiết với nhau. Thế mà ở Trung Quốc vẫn xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm là tại sao?
Đối với vụ bán ra thị trường thịt ôi thiu hết hạn sử dụng, có lẽ người bán cho rằng dù thực phẩm đó có ôi hay mốc nhưng bản thân mình không ăn thì không sao. Hay năm 2008 là sữa bột trẻ em nhiễm melamin, có lẽ họ nghĩ sữa đó trẻ em uống chắc không ai quan tâm, họ bán ra chỉ cốt kiếm lợi nhuận mà thôi. Tất cả những việc đó, tôi nghĩ nguyên do chính là sự thiếu ý thức đạo đức.
Ở Nhật Bản, vào thời đại Edo, xuất hiện rất nhiều võ sĩ đạo rởm, thoái hóa biến chất, còn thị dân thì cũng chỉ chạy theo những nhu cầu hưởng thụ tầm thường, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, khiến đạo đức không còn được duy trì.
Nhật đã đề xướng "Tâm lý học Ishi" để đề ra những hành vi đúng đắn trong giao thương, những nguyên tắc hành xử mà mọi thương nhân cần có, và tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Vào thời Minh Trị, khi chủ nghĩa tư bản đang phát triển cao độ, ông Shibusawa Eiichi - người có liên quan đến sự thành lập của khoảng trên 500 công ty hiện vẫn tồn tại, trong đó có cả công ty giải trí, đã đề xướng cuốn Luận ngữ và bàn tính - cũng cho ra đời cuốn Thuyết về đạo đức trong kinh tế để nhấn mạnh tính cần thiết của đạo đức trong kinh doanh. Những tư tưởng trong cuốn Luận ngữ của ông Shibusawa Eiichi đã được tuyên truyền rộng rãi vào thời bấy giờ.
Ở Trung Quốc, nơi đúng ra việc tuyên truyền tư tưởng giáo dục đạo đức trong Luận ngữ phải được thực hiện, thì mọi việc lại bị phủ nhận, kết quả là tạo ra tình trạng người dân thiếu ý thức đạo đức và đây chính là nguyên nhân căn bản của mọi vấn đề.
Tôi từng đề xuất đề cao hàng đầu phương châm "Có nhân sinh quan đúng về đạo đức kinh doanh". Điều này không có nghĩa là "không vi phạm pháp luật" hay là "có thu lợi nhuận hay không", mà là cần xem xét các hành động của mình trong mối tương quan với xã hội, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và dựa vào đó để hành động.
Đương nhiên, những người làm việc trong lĩnh vực thực phẩm hoặc tài chính, đặc biệt ở vị trí càng cao thì càng bị đòi hỏi phải có nhân sinh quan đúng về đạo đức kinh doanh so với những ngành nghề khác.
Lãnh đạo là gì?
Khi được hỏi "Lãnh đạo là gì", ông Yoshiki Otake - cố vấn điều hành Aflac chi nhánh Nhật Bản (công ty bảo hiểm nhân thọ gia đình Mỹ) bày tỏ quan điểm rằng, ở Nhật Bản, định nghĩa về lãnh đạo (leader) không rõ ràng và đây là từ không có trong tiếng Nhật. Ông đã nêu các từ như "người điều phối" (coordinator), "người hướng dẫn" (instructor), hay "anh hùng" (hero) ra để làm ví dụ cho từ "lãnh đạo".
Bản thân tôi nghĩ rằng lãnh đạo là người: (1) có chí (cái tâm hướng tới lý tưởng và mong muốn đạt được lý tưởng đó), có những người bạn cùng chia sẻ cái chí đó; (2) được những người bạn đó bầu làm người chỉ đạo do có năng lực, sức khỏe và phẩm chất, cùng tập trung lại để thực hiện mục đích chung; (3) có ý chí mãnh liệt và niềm say mê hơn bất cứ ai trong việc thực hiện tới cùng, làm nên nền tảng của thành công và quyết tâm đạt được mục tiêu; (4) hơn nữa, khi phải thể hiện rõ tính trách nhiệm và tinh thần hy sinh với tất cả bạn bè thì biết tự giác nhận biết với vai trò của một người đứng đầu để bản thân và những người khác cùng đạt được mục đích.
Chữ "chí" được viết ở đây là "tâm" (trái tim) của "sĩ" (người). Hơn nữa, khi nhìn vào chữ "sĩ" thì thấy đó là sự kết hợp của hai chữ "thập" và "nhất". "Thập" là đại chúng, "nhất" là có trách nhiệm tập hợp nhiều ý chí, hay nói cách khác là người lãnh đạo những người đó. Tóm lại, "chí" là cái tâm phục vụ cộng đồng, là tấm lòng của người chỉ huy luôn mang nặng trách nhiệm lôi cuốn, dẫn dắt nhiều người.
Và một điều cuối cùng, đó không còn là câu chuyện phải khớp với định nghĩa "lãnh đạo là gì" và phân biệt lãnh đạo hay không phải là lãnh đạo, mà là bản thân người đó nghĩ thế nào, những người xung quanh nghĩ thế nào về người đó. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng có nhiều lãnh đạo ở từng lĩnh vực và từng thời điểm.
Với ý nghĩa đó, người đang hoạt động với tư cách là lãnh đạo hiện nay có thể là lãnh đạo ở vị trí đó nhưng nếu đi sang lĩnh vực khác thì sẽ có lãnh đạo khác. Lãnh đạo là người được lựa chọn trong bản thân từng tổ chức.
Trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo
Albert Einstein từng nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức".
Những người có khả năng tạo ra cái mới, có khả năng sáng tạo và sáng tạo ý tưởng tốt thường đều là những người tụ chủ, luôn luôn nghĩ đến các lựa chọn, kiểu như "nếu là mình thì mình sẽ xử lý thế nào", đối với tất cả các vấn đề.
Chẳng hạn khi đọc tiểu thuyết, họ sẽ không chỉ đơn thuần là đọc mà luôn nghĩ, "nếu đối diện với tình huống đó thì mình sẽ làm thế nào", luôn tư duy khi đọc và nghĩ đến nhiều lựa chọn khác nhau.
Điều quan trọng là luôn phải chuẩn bị sẵn tối thiểu ba phương án.
Người mà dù gặp việc gì cũng tự bản thân chủ động đưa ra nhiều lựa chọn thì sẽ có nhiều khả năng đưa ra được ý tưởng mới và tự nhiên phù hợp với việc đó. Điều kiện cần là phải luôn tích lũy rèn luyện để quen dần phương pháp tư duy này.
Còn một điều nữa là rất hiếm người bẩm sinh đã có khả năng sáng tạo và khả năng sáng tạo ý tưởng, bản thân tôi cũng hầu như chưa gặp bao giờ. Đa phần các sáng tạo và ý tưởng sáng tạo về cơ bản đều xuất phát từ các gợi ý của nhiều phía. Đó là quá trình vừa bổ sung thêm tư duy mới vào những tư tưởng mà các nhà hiền triết để lại, vừa đi sâu hơn nữa.
Còn trong kinh doanh, đó chính là trường hợp các công ty Nhật học hỏi từ các doanh nghiệp thương mại điện tử Mỹ có có mô hình kinh doanh mới, rồi khi áp dụng vào Nhật thì thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh văn hóa của Nhật.
Người ta vẫn hay nói, khi sáng tạo ra một cái gì mới hay nghĩ ra một điều gì mới, thì phải đọc thật nhiều sách, tìm ra thật nhiều gợi ý, từ đó xem xét xem ở địa vị và hoàn cảnh của mình thì sẽ áp dụng như thế nào.
Ai là người quyết định một mối quan hệ tốt lên hay xấu đi?
Alain (1868 - 1951), triết gia người Pháp, trong Luận về hạnh phúc, cho rằng "Nếu trời mưa, đừng chặc lưỡi, hãy đi xuống nhà và giương ô lên. Nếu không có ô, thì hãy nói, "A, thế này mưa cũng to đấy chứ!".
Quan hệ con người cũng giống cơn mưa, có rất nhiều cách để ứng xử với nó. Nếu vì mình và muốn làm cho mình thoải mái, đừng nói những lời đáng ghét, đừng giữ những điều không đáng nhớ.
Cách tốt nhất để cải thiện mối quan hệ của con người chính là giải thoát chúng ta khỏi sự so sánh. Con người vốn hay so sánh, thích phán đoán sự vật theo cách tương đối, trong một thế giới quan nhỏ hẹp, từ đó sinh ra mọi nguồn vui sướng khổ, rồi tự mình tức giận, tự mình chuốc buồn đau.
"So với họ, tôi làm việc nhiều hơn, sao người ấy lại có lương cao hơn tôi?", "Lúc nào nó cũng được sếp cưng chiều, dẫn đi ăn, sao tôi không được sếp dẫn đi lần nào?". Luôn đem mình so sánh với người khác vốn dĩ là bản chất của con người.
Cuộc đời con người có những niềm vui, điều tốt lành thì cũng có những điều không vui, không tốt. Ngược lại, sau những điều không may, chắc chắn niềm vui lại về, bởi vũ trụ luôn cân bằng.
Thuyết này nếu đọc hàng ngàn minh thư Trung Quốc thì có thể hiểu được. Không có gì khiến con người trở nên bất hạnh hơn chính tư duy so sánh của mình.
Do vậy, muốn làm tốt tất cả các mối quan hệ thì cần giải thoát con người khỏi tư duy so sánh, ở đó, mỗi người cần làm tốt nghĩa vụ của mình, tức là mỗi cá nhân cần làm những việc mà mình nên làm.
Trong Luận ngữ, đi cùng với chữ Nhân là chữ Lễ. Tôi cho rằng hai chữ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghĩa thứ nhất là chỉ lễ nghi phép tắc đã được truyền đời từ cổ chí kim, hay còn gọi là étiquette (phép lịch sự) và manner (phép cư xử). Ví dụ, buổi sáng khi gặp nhau thì chào nhau là nguyên tắc cơ bản đương nhiên cần có của con người. Dựa vào việc liên tục không ngừng rèn luyện về lễ nghi phép tắc thì nhân cách con người cũng được mài giũa.
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, mỗi cá nhân sẽ tự mài giũa tri thức cũng như tinh thần của mình, và lễ nghi phép tắc nằm trong phạm trù này.
Mặt khác, chữ Lễ còn được hiểu theo một nghĩa khác. Để đảm bảo điều tiết trật tự tổ chức của xã hội, bước đầu tiên là tôn trọng người khác. Ví dụ công ty là tập hợp của rất nhiều các độ tuổi khác nhau, giới tính khác nhau, và bản thân các mối quan hệ của những người trong đó cũng đã tồn tại những điều rất phức tạp. Trong tình trạng phức tạp như vậy mà thiếu Lễ thì tổ chức chắc chắn không thể vận hành trơn tru được. Chính việc tôn trọng người khác sẽ giúp cho sinh hoạt xã hội được trở nên dễ dàng hơn...