Đừng nóng mặt vì con ốc vít
Du lịch - Ngày đăng : 04:00, 06/01/2019
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới bắt đầu phát triển - Ảnh: T.Linh |
Giữa thị trường túi xách bạt ngàn mẫu mã, chủ yếu bán trực tuyến, dễ tiếp cận khách hàng, giá từ 200 - 500 ngàn đồng và thị trường túi xách hàng hiệu có giá vài trăm đến vài ngàn đô la, nghệ nhân làm túi xách da sống sao nổi? Nghệ nhân trả lời mỗi nhà thiết kế đều tìm được thị trường ngách để phát triển.
Để làm ra những chiếc túi xách chất lượng cao, bán giá cao, anh không có lựa chọn nguyên vật liệu nào khác, tất cả đều phải nhập từ nước ngoài, từ những thương hiệu sản xuất nguyên vật liệu chuyên nghiệp và nổi tiếng. Không chỉ là da thuộc của Ý, Đức, ngay đến con ốc vít, cái khóa bé nhỏ cũng có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Bỗng nhớ chuyện dư luận trong nước mấy năm trước tự ái, nóng mặt trước thông tin người Việt Nam không làm nổi con ốc cho điện thoại Samsung. Tham khảo nhiều nguồn thông tin, đọc ý kiến chuyên gia coi vụ ốc vít Samsung sau 4 năm chịu "án" không làm được, nay ra sao. Vài nhà đầu tư nói: "Nếu Samsung ký mua mấy tỷ con ốc vít, sợ chi không đầu tư trăm tỷ vô làm".
Một số người tiêu dùng nổi máu tự ái bảo: "Ốc vít chớ cái chi mà không làm được. Gọi nông dân sáng chế trên thửa ruộng làm cho coi nè. Nông dân còn sáng chế được tàu lượn, ô tô điện...".
Tự ái xong rồi quên. Tin mới nhất: Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM mới kết nối cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ có năng lực đến gặp Samsung, hỏi chuyện ốc vít và khả năng hợp tác với Samsung.
Con ốc cho điện thoại Samsung đơn giản mà không hề đơn giản, phải mua bản quyền công nghệ, máy móc, sở hữu trí tuệ theo chuẩn Samsung yêu cầu, và đây là lĩnh vực nằm trong tay các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ.
Mua được rồi, đưa về dàn quân ra đào tạo, đầu tư một quy trình quản lý chất lượng, sao cho trong cả tỷ con ốc không có con nào kém chất lượng lọt vào dây chuyền lắp ráp.
Ổn ổn rồi, chuyên gia mới đến huấn luyện, kiểm tra, cuối cùng các chuyên gia kỹ thuật gật đầu thì mới ký hợp đồng sản xuất. Sau 4 năm, chuyện làm công nghiệp phụ trợ cho "người khổng lồ" Samsung còn dừng ở đó.
Doanh nghiệp Việt vẫn chỉ tham gia làm bao bì điện thoại. Thương trường như chiến trường. Làm ăn muốn tham gia vào chuỗi sản xuất hàng chất lượng cao phải dùng công nghệ có giá trị sở hữu trí tuệ trên toàn cầu.
Vụ sở hữu trí tuệ công nghệ làm ốc vít nghe đơn giản, nhưng bất cứ công ty nào cũng có đối thủ cạnh tranh. Samsung cũng vậy, nếu nhà sản xuất con ốc kia không đáp ứng được việc đăng ký công nghệ đủ tiêu chuẩn quốc tế, đối thủ sẽ khai thác lỗ hổng đó, chưa kể tỷ lệ sản phẩm lỗi sẽ khó kiểm soát nếu quy trình sản xuất không chuẩn.
Và bây giờ Tập đoàn Vingroup sản xuất ô tô với thương hiệu Vinfast, làm điện thoại với thương hiệu Vmart, hay Bkav đã sản xuất đến mấy mẫu điện thoại Bphone. Trong rất nhiều dư luận đồn đoán về mẫu sản phẩm và thể hiện quyền của người tiêu dùng có rất nhiều dòng xoáy.
Để ý trong dòng thác thông tin, đặc biệt trên mạng xã hội, ở các diễn đàn ô tô..., nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng khi chiếc xe Vinfast có nguồn gốc công nghệ của nước ngoài, dù là của các hãng ô tô nổi tiếng. Hoặc nhiều thông tin tỏ vẻ không tin tưởng khi cho rằng trong chiếc điện thoại Bphone có công nghệ phần mềm của Trung Quốc.
Nhiều người viết trên trang cá nhân: "Mấy ổng toàn xài linh kiện ngoại, tỷ lệ nội địa hóa không bao nhiêu mà đòi gọi là ô tô Việt, điện thoại Việt".
Mỗi người tiêu dùng đều có quyền yêu thích hay không, mua sử dụng hay quay lưng. Nhưng người tiêu dùng hiện đại không nên quên quyền được hiểu biết thấu đáo xu hướng sản xuất hàng chất lượng tiêu chuẩn quốc tế đều phải tuân theo đủ tiêu chuẩn, trong đó sản xuất bất cứ phụ kiện nào cho cái điện thoại hay chiếc ô tô thì dây chuyền sản xuất và công nghệ đều phải chứng minh rõ ràng xuất xứ công nghệ cao, và người ta căn cứ vào đó để đánh giá sản phẩm.
Bởi vậy, giấc mộng về ô tô Việt, điện thoại Việt cần đến một quãng đường dài, khi doanh nghiệp đầu tư cho một dòng sản phẩm cao cấp thì con đường tất yếu là phải mua bản quyền sở hữu công nghệ của nước ngoài, của những thương hiệu nổi tiếng về sản phẩm đó.
Thử tưởng tượng nếu một doanh nghiệp muốn thực hiện giấc mộng ô tô Việt, đủ tài lực mời các chuyên gia số 1 thế giới về đầu quân, thì vẫn chưa đủ để ta có ô tô Việt, bởi công nghệ sản xuất và sở hữu trí tuệ là lĩnh vực cần đến cả thương hiệu lâu đời lẫn một tập đoàn.
Một nhà thiết kế lừng danh đơn thương độc mã đến đầu quân ở một nước chưa có nền tảng về làm dòng sản phẩm ô tô hay điện thoại thì họ cũng không thể làm nên "mùa xuân". Làm ăn muốn ra biển lớn, không thể chỉ ngồi nhà sáng tạo và làm hết mọi thứ.
Đầu tư đón đầu dòng công nghệ hiện đại thế giới là cách đi nhanh, giúp sản phẩm nhanh chóng có chỗ đứng, có thương hiệu. Cứ ngẫm chuyện làm con ốc vít cho điện thoại Samsung thì hiểu.