Thiệt hại hơn 5 tỷ USD, ông Trump nói sẵn sàng để Chính phủ đóng cửa nhiều tháng
Quốc tế - Ngày đăng : 06:46, 07/01/2019
Trước đây, khi còn kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ, đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã thông qua dự luật ngân sách 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico của ông Trump. Tuy nhiên, dự luật này đã không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện khi đến thời hạn 21/12. Kết quả, vào ngày 22/12, Chính phủ liên bang Mỹ đã bị đóng cửa một phần.
Theo Sputnik, hiện có 9 trên 15 bộ liên bang, cũng như hàng tá các cơ quan, chương trình liên bang khác phải đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian làm việc. Các bộ bị ảnh hưởng gồm có Bộ An ninh nội địa, Tư pháp, Nhà ở, Nông nghiệp, Thương mại, Nội vụ và Tài chính.
Bên cạnh đó, khoảng 25% Chính phủ liên bang Mỹ không có ngân sách để hoạt động và khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã được cho nghỉ hoặc phải làm việc không lương, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Các bộ tộc thổ dân Mỹ vốn được hưởng chính sách trợ cấp liên bang cũng gặp khó khăn và các công viên quốc gia rơi vào tình trạng tê liệt vì không có nhân viên.
Trong suốt 16 ngày Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 2013, Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết “chính phủ đóng cửa còn khiến chúng tôi mất nhiều tiền hơn là duy trì hoạt động”. Thông thường, những nhân viên liên bang không được trả lương trong thời gian đóng cửa sẽ nhận lại tiền khi tình trạng này chấm dứt, bất kể họ nghỉ phép hay làm việc.
“Chúng tôi phải trả lương để họ không làm gì cả. Căn bản là quá lãng phí. Nó chẳng khác gì việc chính quyền liên bang lấy tiền ném qua cửa sổ cả”, Gordon Gray – Giám đốc Chính sách Tài chính thuộc Diễn đàn Hành động Mỹ - chia sẻ.
Theo một báo cáo phân tích về tình trạng chính phủ đóng cửa vào tháng 10/2013 do Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) thực hiện, tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm khoảng 0,2 - 0,6%, tương đương từ 2 - 6 tỷ USD thiệt hại cho nền kinh tế. Theo ông Gray, chi phí cho lần đóng cửa hiện nay cũng tương đương với lần ngừng hoạt động vào năm 2013.
Dẫu vậy, dường như Tổng thống Donald Trump sẽ sẵn sàng để cho tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ - hiện đang bước sang tuần thứ ba liên tiếp - kéo dài trong nhiều năm. Theo CNBC, sau cuộc gặp với các lãnh đạo của Đảng Dân chủ, ông Trump cũng nói có thể công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để được hỗ trợ ngân sách xây tường biên giới với Mexico mà không cần sự thông qua của Quốc hội. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cho biết ông vẫn “thích tiến trình đám phán hơn”.
Lúc đầu, ông Trump tỏ ra rất lạc quan về cuộc gặp hôm 4/12 với các nghị sĩ Dân chủ, nói rằng cuộc gặp "rất hiệu quả". Nhưng sau đó, Tổng thống Mỹ thừa nhận với báo giới đã "dọa" phe Dân chủ rằng sẽ để 9 bộ liên bang đóng cửa trong thời gian dài, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, cho tới khi có ngân sách xây tường.
Khi được hỏi về lời tuyên bố "sẽ tự hào đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới" hồi tháng trước, ông Trump cho rằng, hành động dừng hoạt động một phần chính phủ là đóng cửa. "Tôi rất tự hào về những gì mình đang làm. Tôi không gọi đây là tình trạng đóng cửa, mà là làm điều phải làm vì lợi ích và sự an toàn cho tổ quốc của chúng ta", Tổng thống Mỹ nói.
Hôm thứ Năm tuần trước, các nghị sĩ Dân chủ đã thông qua một dự luật ngân sách nhằm mở cửa chính phủ trở lại, bao gồm khoản tiền 1,3 tỷ USD để tăng cường an ninh biên giới đến ngày 8/2. Tuy nhiên, dự luật này không thể có hiệu lực nếu không có sự thông qua của Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát. Trong khi đó, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell, nói rằng đảng của ông sẽ không ủng hộ bất kỳ dự luật nào bị ông Trump phản đối.
Nhà nghiên cứu cấp cao William G. Gale thuộc Viện nghiên cứu Brookings nhận xét, nếu nhìn rộng hơn, số tiền mà Chính phủ Mỹ đang tranh cãi trong đợt đóng cửa này là rất nhỏ. Gale viết: “Hiện, các chương trình chưa được hỗ trợ ngân sách ngốn hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, số tiền gây tranh cãi liên quan đến bức tường chỉ xấp xỉ 4 tỷ USD, cộng thêm 1 tỷ USD tiền hỗ trợ an ninh được Đảng Dân đề xuất”.
Việc phải đóng cửa một phần chính phủ chỉ vì bất đồng xung quanh một khía cạnh hết sức nhỏ bé trong chi tiêu ngân sách là hết sức phi lý. Chẳng có doanh nghiệp nào hoạt động như thế cả. Và, trong khi màn đọ sức chính trị còn tiếp diễn, nền kinh tế chắc chắn sẽ phải hứng chịu thiệt hại".