Điều kiện cần và đủ để các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 00:55, 10/01/2019
Song, câu hỏi đang được đặt ra cho các bên: Chính sách đóng góp như thế nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp? Chính phủ cần làm gì tiếp theo để các quy định đi vào thực tiễn, và chiều ngược lại, các startup cần làm gì để lớn mạnh.
Với ba kênh đầu tư gồm bất động sản, chứng khoán và sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào startup là "sân chơi mới" cho các nhà đầu tư, khi mà công nghệ và internet giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển, nay thêm "chất xúc tác" từ trí tuệ nhân tạo (AI) và robot, internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data). Việt Nam đang thay đổi chính sách để thích ứng, nhưng thông điệp "chính phủ kiến tạo phát triển" có thể là chưa đủ, chính sách cần "theo dòng thời sự", thậm chí phải "chạy nhanh" hoặc "chạy trước".
Thời điểm startup bắt đầu tăng trưởng, việc huy động vốn là phương án tốt. Nếu chỉ có vốn chủ sở hữu hay lợi nhuận của startup rất khó giúp họ tăng trưởng nhanh. Giai đoạn đầu, startup rất cần vốn từ các nhà đầu tư "thiên thần", các nhóm đầu tư hoặc vốn cộng đồng thì khi tăng trưởng mạnh, nguồn vốn ấy không đủ.
Đó có thể là nguồn vốn từ nhóm các nhà đầu tư chiến lược hay quỹ đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cần "lối đi thoáng hơn" vào startup. Một hành lang pháp lý để các bên "chơi với nhau được" là điều kiện đủ để giải bài toán trên.
Hay nói cách khác, yêu cầu đặt ra từ thị trường đến chính sách là phải có một hành lang tốt cho quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở một vài văn bản luật, mà phải có sự đồng bộ giữa các quy định và việc thực thi cần phải quyết liệt hơn.
Trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38 ra đời, các nhà đầu tư đã đầu tư vào nhiều startup bằng những cách thức khác nhau. Đó có thể là góp vốn mua cổ phần theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hay có thể hợp tác kinh doanh từ giai đoạn đầu tiên theo Bộ Luật Dân sự.
Tuy nhiên, việc có hành lang pháp lý với sự ủng hộ về chính sách, thống nhất về phương án áp dụng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, nhà đầu tư yên tâm hơn và tất nhiên cộng đồng startup được hưởng lợi nhiều hơn.
Một quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà đầu tư vào startup phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ kinh doanh và đầu tư để nhà đầu tư sẵn sàng cho kênh đầu tư này. Luật đã ban hành nhưng cần được tuyên truyền, phổ biến để nhà đầu tư áp dụng vào thực tế.
Ví dụ, việc cấp phép cho quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà đầu tư nước ngoài cần nhanh chóng, hạn chế các thủ tục rườm rà và có sự thống nhất từ các bộ, ngành liên quan, không thể để tình trạng ban hành văn bản xong là nhà đầu tư "tự bơi"!
Ở hệ sinh thái khởi nghiệp, điều cần nhất là chính phủ các quốc gia cho phép người khởi nghiệp được thí điểm các mô hình kinh doanh chưa có trong hệ thống ngành nghề kinh doanh. Ví dụ nếu việc áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay trí tuệ nhân tạo có thể giúp vận hành các công ty khởi nghiệp kinh doanh tốt hơn, phát triển nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn, tất nhiên là không vi phạm pháp luật thì Chính phủ cần mạnh dạn cho phép thử nghiệm và thậm chí, ủng hộ cách làm đó.
Đón đầu các ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quốc tế lựa chọn đầu tư ở một quốc gia. Ở các quốc gia có nhiều startup "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) như Mỹ, Trung Quốc và sắp tới đây là Singapore, Indonesia, rất nhiều startup đang được hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng chung. Nước ta cần tăng cường thí điểm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ cho các thành phố như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, bao gồm việc hình thành các khu đô thị đổi mới sáng tạo.
Quá trình đầu tư vào startup xuất phát từ bản thân startup, sau đó mới đến khả năng của nhà đầu tư, vì thế Chính phủ chỉ nên đóng vai trò kiến tạo và hỗ trợ. Nhưng sự hỗ trợ phải nhất quán. Nếu cơ quan cấp phép đầu tư mở cửa, nhưng cơ quan thuế và các cơ quan thanh tra không "mở lòng" thì rất khó để sự hỗ trợ đó trở nên hoàn hảo.