2018 - năm thành công của ngành hàng không thương mại thế giới
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:27, 11/01/2019
Theo ước tính của IATA - Hiệp hội Vận tải hàng không thương mại quốc tế, ngành công nghiệp hàng không thương mại toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận từ 34,5 tỷ USD trong năm 2017 lên mức 38,4 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, số tiền mà hành khách chi tiêu cho du lịch bằng hàng không có thể đạt con số 776 tỷ USD.
Cuộc cạnh tranh giữa 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing và Airbus vẫn luôn trong trạng thái quyết liệt khi cả hai đều thể hiện sự cân tài cân sức trong cuộc cạnh tranh giành quyền ký kết các thỏa thuận, hợp đồng cung cấp máy bay thương mại cho các hãng hàng không toàn cầu.
Dấu ấn nổi bật nhất trong năm 2018 mà Airbus có được chính là đơn đặt hàng bất ngờ từ Hãng hàng không Emirates mua thêm hơn 36 chiếc “khách sạn bay” A380 đang có tình trạng ế ẩm suốt một năm trước đó và được cho là ít có cơ hội duy trì doanh số. Bởi sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của loại hình hàng không giá rẻ vốn không lựa chọn những chiếc máy bay hầm hố, tiêu hao nhiên liệu cao như A380.
Bản ký kết có một ý nghĩa rất lớn đối với Airbus không chỉ vì giá trị hợp đồng lên đến 16 tỷ USD, mà còn có giá trị cổ vũ rất lớn khi trên phân khúc máy bay thân rộng, nhà sản xuất châu Âu đang phải đau đầu với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đến từ chiếc Dreamliner của đối thủ Boeing.
Không kém cạnh, hãng sản xuất máy bay của Mỹ cũng gây dấu ấn trong năm bằng sự kiện xuất xưởng chiếc Boeing 737 thứ 10.000, bàn giao cho khách hàng là Hãng Southwest Airlines với mẫu B737 MAX 8. Đồng thời mẫu máy bay biểu tượng Boeing 747 của Hãng cũng chạm cột mốc kỷ niệm 50 năm kể từ khi được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1968.
2018 cũng là năm đánh dấu sự quyết liệt trên cuộc đua giữa 2 hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này khi Boeing chính thức khai trương nhà máy sản xuất đầu tiên đặt trên đất châu Âu hồi tháng 10.
Mảng nổi bật thứ hai của bức tranh thị trường hàng không thế giới trong năm 2018 chính là xu hướng sử dụng nguyên liệu xanh được nhiều doanh nghiệp hàng không hưởng ứng tích cực.
Trong khi nhà điều hành các sân bay tại Na Uy – Avinor thông báo sẽ sử dụng 100% nhiên liệu điện trên tất cả các dòng máy bay khai thác đường bay ngắn cho đến năm 2040, thì từ đầu năm 2018, hãng hàng không quốc gia của Úc cũng cho thử nghiệm dùng hạt mù tạt làm nhiên liệu sinh học cung cấp cho chuyến bay từ Úc sang Mỹ.
Cùng chung xu hướng, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair cũng cam kết chắc chắn rằng tất cả các chuyến bay của hãng vào năm 2023 sẽ không có sự hiện diện của chất liệu nhựa.
Gần hơn, trong tháng 10 vừa qua, Hãng Virgin Atlantic đã thực hiện chuyến bay từ Orlando đến Gatewick sử dụng nhiên liệu chất thải tái sinh như là bước khởi đầu kế hoạch tiến tới sử dụng hoàn toàn nhiên liệu xanh cho đội bay của Hãng.
Sau nhiều năm bị lãng quên bởi lợi nhuận khai thác thấp cũng như giá nhiên liệu tăng cao, những chuyến bay đường dài không quá cảnh đã được hồi phục trong năm 2018. Đầu tiên, chuyến bay QF9 của Hãng hàng không Qantas đã đáp thành công xuống sân bay Heathrow (Anh) sau một chặng bay liên tục trong 17 giờ 6 phút từ nước Úc, chở hơn 230 hành khách và nhân viên phi hành đoàn trong tháng 3/2018.
Sau đó 2 tháng, hãng hàng không Singapore Airlines thông báo khôi phục đường bay thẳng trực tiếp dài nhất thế giới với khoảng cách dài 9.500 dặm từ New York, Mỹ đến đảo quốc Singapore trong tháng 10 qua. Máy bay A350 – ULR cất cánh từ sân bay Changi và đáp tại sân bay quốc tế Newark thuộc thành phố New York với khoảng thời gian bay liên tục trong 17 giờ 25 phút.
Cuộc cạnh tranh sở hữu đường bay dài nhất thế giới càng trở nên hấp dẫn khi Qantas công bố kế hoạch khai thác các chuyến bay trực tiếp đường dài với khoảng thời gian bay lên đến 20 giờ nối thủ đô London với Sydney trên các dòng máy bay A350 hoặc Boeing 777X vào năm 2022.
Sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng wifi trên chuyến bay cũng là một điểm đáng chú ý dành cho ngành hàng không thế giới trong năm 2018.
Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Inmarsat – một công ty viễn thông tại Anh trong năm qua, có tới 91% hành khách trong độ tuổi 18 - 30 sẽ sẵn sàng sử dụng dịch vụ cung cấp wifi trong chuyến bay. Trong đó, 53% cho rằng họ sẵn sàng đánh đổi tiêu chuẩn phục vụ thức uống có cồn bằng một chất lượng truy cập wifi tốt. Lạ hơn, có tới 57% hành khách khảo sát có ý định sử dụng ứng dụng hẹn hò online trong chuyến bay để tìm kiếm bạn đồng hành hợp ý.
Bức tranh ngành vận chuyển hàng không thế giới năm 2018 có thể được khép lại một cách trọn vẹn khi 2 hãng hàng không châu Á là Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways giành ngôi vị quán quân đầu bảng theo đánh giá bình chọn của Skytrax và World Travel Awards.
Riêng với ngành vận chuyển hàng không Việt Nam, có thể nói năm 2018 là một năm đặc biệt, khi các hãng hàng không nội địa đều đạt được mức tăng trưởng ấn tượng theo đà bùng nổ về nhu cầu di chuyển của người dân.
Bên cạnh đó, sự gia nhập mới của Hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến sẽ cất cánh vào đầu năm 2019 đi kèm với dự báo sẽ xuất hiện thêm một hãng hàng không khác có sự tham gia hợp tác của Hãng Air Asia là những tín hiệu mở màn cho một giai đoạn phát triển mới của thị trường hàng không Việt Nam trong thời gian tới.
(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)